Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng hơn 200.000 cử nhân đại học, cao đẳng ra trường chưa tìm được việc làm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại thiếu nguồn nhân lực. Đâu là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trình độ học vấn càng cao thì số lượng thất nghiệp càng tăng và cử nhân thất nghiệp trong khi doanh nghiệp thiếu lao động? Vũ Minh Tiến, vừa tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Đại Nam cho biết, trong 5 năm học, bạn chưa đi làm thêm ở đâu, thời sinh viên cũng ít được thực hành mà chủ yếu là học lý thuyết nên chưa có kinh nghiệm thực tế. Minh Tiến mong muốn tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã học.
Người lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
“Kinh nghiệm công việc em chưa có. Trước có đi làm thêm cũng chỉ làm những công việc tạm bợ để kiếm thêm thu nhập, còn ngành học thì hầu như chưa có kinh nghiệm. Em muốn xin vào những công ty không đòi hỏi kinh nghiệm, mong các công ty tạo điều kiện cho chúng em được học hỏi” – Tiến nói. Vũ Minh Tiến chỉ là một trong số rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không tìm được việc làm. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, qua các ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm, có 55% nộp hồ sơ phỏng vấn là lao động có trình độ cao đẳng, đại học. Tỉ lệ Trung tâm giới thiệu và cung ứng việc làm cho lao động có trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 29%. Bà Lê Diệu Linh, cán bộ tuyển dụng nhân sự thuộc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng, thương mại Khang Cát cho biết, đa phần các cử nhân khá thụ động, chưa chịu khó học hỏi để phát triển kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân. Nhiều người chưa tìm hiểu kỹ về vị trí công việc được tuyển dụng, thậm chí có tâm lý chờ đợi được gọi tuyển dụng. Bà Lê Diệu Linh nói: “Tôi thấy là với lượng sinh viên ra trường hàng năm nhiều, nhưng sự cạnh tranh và việc tự vận động của sinh viên đi tìm việc thì tôi đánh giá là rất thấp. Bởi vì với lượng ra trường ồ ạt như thế nhưng chất lượng đầu ra lại không cao. Với những bạn có khả năng thực sự thì các bạn đã được tuyển dụng trực tiếp. Đối với những bạn mới ra trường, nhu cầu công việc có nhưng để năng nổ đi tìm việc lại không có. Độ chăm và độ nhạy bén với thị trường kém”. Nhiều cử nhân thường có tâm lý đòi hỏi lương cao hoặc mong muốn trở thành người quản lý khi còn thiếu kinh nghiệm. Đáng chú ý là hầu hết sinh viên phỏng vấn xin việc thiếu các kỹ năng mềm. Anh Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ tuyển dụng nhân sự của Công ty truyền thông cho biết: “Thông tin của chúng tôi dàn trải rất nhiều, ứng viên đọc thông tin xong, gọi điện, phỏng vấn mang hồ sơ đến, mức lương dao động khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Nhưng yêu cầu công việc cần đào tạo thì ứng viên tỏ ra chán, không muốn làm hoặc nếu công việc có áp lực một chút là không theo được. Bây giờ công việc ở Hà Nội nhiều, mức lương dao động từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng thì ở đâu cũng có, muốn mức lương cao hơn thì phải làm tăng ca nhưng cũng hiếm người làm”. Những sinh viên có hai bằng đại học thường kén chọn và theo xu thế “nhảy việc” hoặc có tâm lý “ở nhà với bố mẹ rồi tìm việc sau”. Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có một nghịch lý hết sức phổ biến tại Trung tâm là lao động phổ thông và công nhân dễ tìm việc hoặc tìm được những công việc có thu nhập cao. Trong khi đó, lao động có trình độ đại học, cao đẳng lại khó xin việc hơn, nguyên nhân là do các bạn quá kỳ vọng vào tấm bằng đại học mà mình đang có. Trong bản tin thị trường lao động cập nhật mới đây cho thấy, số cử nhân đại học, cao đẳng thất nghiệp đang gia tăng. Trong quý 1/2016, cả nước ta có khoảng 1,070 triệu người đang trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó có 190.900 người là các cử nhân và trên cử nhân, chiếm 3,93%. Do đó, cơ sở đào tạo tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên được làm quen với môi trường làm việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường và dành 2/3 thời gian cho học sinh tham gia thực hành nghề. Học sinh cần định hướng nghề nghiệp và đẩy mạnh công tác phân luồng sau tốt nghiệp trung học phổ thông.