Nghiêm trị các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Hà Nội cùng cả nước đang “gồng mình” chống dịch Covid-19, lại xuất hiện nhiều cá nhân vô cảm, ích kỷ, sẵn sàng có những hành vi chống đối việc kiểm dịch, vi phạm quy định về phòng dịch, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Nhiều trường hợp vi phạm
Ngày 12/8, Công an quận Thanh Xuân thông tin, đang thụ lý điều tra vụ 3 thanh niên trình 9 giấy đi đường, khai mua ở cửa hàng cầm đồ tại quận Đống Đa. Vụ việc được phát hiện trước đó, vào ngày 6/8, tại chốt phòng chống dịch Covid -19 ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình.
Thời điểm trên, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân kiểm tra, đã phát hiện 3 trường hợp (cùng trú tại quận Hoàng Mai) sử dụng giấy đi đường để qua chốt có biểu hiện nghi vấn. 3 thanh niên này khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa.
Công an phường Yên Phụ xử lý người vi phạm gây rối phòng chống dịch Covid -19 trên địa bàn. Ảnh: Minh Quang
Mới đây, ngày 9/8, trong quá trình làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch số 17 (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì), tổ công tác đã tiến hành dừng, kiểm tra xe ô tô bán tải (được dán giấy ưu tiên “luồng xanh” hoạt động) đang di chuyển theo hướng từ tỉnh Phú Thọ qua cầu Trung Hà (huyện Ba Vì) để vào địa phận Hà Nội.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại hàng ghế phía sau còn chở thêm 4 người đàn ông không có hộ khẩu tại Hà Nội và không có giấy xét nghiệm Covid-19. Với trường hợp vi phạm trên, tổ công tác đã đề xuất mức phạt kịch khung đối với lái xe (40 triệu đồng, theo Nghị định số 117/NĐ-CP của Chính phủ) để răn đe, đảm bảo nghiêm minh trong công tác phòng chống dịch.

Liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra các trường hợp “thông chốt” kiểm soát dịch, tấn công các chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ. Công an quận Cầu Giấy đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Quang Tú (sinh năm 2002; HKTT: xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng; là shipper tự do) đã đâm Thượng úy Nguyễn Duy Khánh (Cán bộ Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Cầu Giấy) trọng thương tại chốt kiểm dịch trên đường Hồ Tùng Mậu vào chiều 6/8.
Bước đầu bệnh viện chẩn đoán cán bộ cảnh sát bị chấn thương vùng đầu, trật khớp xương quai xanh, hiện đang nằm điều trị và theo dõi. Nguyễn Quang Tú khai nhận, do sợ bị chốt kiểm soát phạt vì vi phạm quy định phòng, chống dịch nên đối tượng đã liều lĩnh phóng xe bỏ chạy, dẫn đến sự việc trên. Một vụ việc tương tự, sáng 7/8, tại chốt trực phòng chống Covid-19 số 14 của Công an TP Hà Nội tại đường Hòa Lạc - Hòa Bình (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất), Nguyễn Văn Phi (sinh năm 1992; ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) từ taxi bước xuống cầm gạch ném thẳng về phía cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Xử lý nghiêm minh để răn đe

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, trong tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, toàn hệ thống chính trị, Nhà nước và người dân phải chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Một trong những yêu cầu của nhà nước đó là ý thức chấp hành của mỗi người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà Chính phủ, Bộ Y tế nói chung và UBND TP Hà Nội ban hành nói riêng. Người dân cần chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước về cách ly, giãn cách, xét nghiệm và biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nếu người dân thờ ơ, thiếu ý thức, chống đối với công tác phòng, chống dịch bệnh thì việc dập dịch sẽ hết sức khó khăn, phức tạp, tốn kém, ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.
Luật sư Luân Thị Nương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, pháp luật quy định khá đầy đủ căn cứ để xử lý bất cứ hành vi nào có tính chống đối biện pháp phòng, chống dịch cả về hành chính và hình sự.
Cụ thể, hiện nay một số hành vi vi phạm mà mọi người vẫn thường mắc phải là ra khỏi nhà không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không chịu khai báo, cách ly y tế, có hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch… Các trường hợp ra khỏi nhà không vì lý do chính đáng, tập trung đông người không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang ở nơi đông người, không khai báo hoặc khai báo y tế không trung thực, từ chối cách ly và một số hành vi khác liên quan đến lĩnh vực y tế có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức xử phạt phổ biến là phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu ở mức độ nghiêm trọng hơn. Các tội phổ biến mà nhiều người có thể phạm phải theo Bộ luật Hình sự năm 2015 là “Chống người thi hành công vụ” - Điều 330, “Gây rối trật tự công cộng” - Điều 318, “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” - Điều 295, “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” - Điều 240.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần