Cùng là con người, sao mà đời họ sướng thế. Thuận nghĩ. Tiền tiêu thừa thãi, lại còn nhiều thú vui khác và chơi hoa chỉ là một trong ti tỉ thứ. Những bông hoa không đủ để tỏa thơm vào căn phòng mười hai mét vuông Thuận thuê của ông Đại tá về hưu. Thật ra đấy là khoảnh đất thừa, ông Đại tá xây một căn phòng cho thuê, đỡ bỏ không. Thuận đã quen sống trong căn phòng chật hẹp đó, từ ngày còn là cậu sinh viên đến giờ. Thôi cứ ở tạm. Vả lại, vợ chồng ông Đại tá khá thân thiện, tốt bụng, ít khi tăng tiền nhà và tăng cũng ở mức rất dễ thở.
Ngôi nhà của ông Đại tá ở cuối ngõ, thực chất là một biệt thự, với khuôn viên rộng, rất nhiều cây cảnh trang trí, khuôn viên lúc nào cũng tưng bừng hoa nở. Căn phòng Thuận ở cũng là cái khe đất cuối cùng, thuộc diện chẳng để làm gì, trông ra cái hồ bỏ hoang của phường, ban đêm vẫn nghe thấy tiếng chão chuộc kêu. Đôi lúc, Thuận thầm ước chỉ cần có được đôi chục mét trong cái góc vườn nhà ông Đại tá thôi, đã tốt biết bao. Sự quyết tâm có một tí chút nơi thành phố, đã khiến Thuận cố gắng gấp đôi, đồng thời thuyết phục gia đình dồn lại một món tiền, gạ mua căn phòng đang thuê trọ của ông Đại tá. Hơi miễn cưỡng, nhưng cuối cùng ông Đại tá đã chịu bán. Món tiền lớn với Thuận, nhưng chỉ bằng vài ba cái hắt hơi của ông Đại tá. Ừ thì đã là người… có nhà, một chỗ chui ra chui vào. Đó sẽ là ước mơ của rất nhiều gã trai khác. Nghĩ thế, Thuận rất lấy làm hài lòng.
Cứ cuối tháng Mười một âm lịch những cây đào cổ thụ chúm chím nụ. Ngõ lại chẳng xa “dinh đào” là bao, nên từ xửa xưa các cụ đặt tên là Ngõ hoa đào. Tên đẹp và lãng mạn, rất xứng đáng, bởi những căn nhà trong ngõ toàn của tướng tá và cán bộ. Đất rộng đủ chỗ cho vài khóm hoa, vài chậu cảnh hoặc một hòn non bộ. Gia đình rộng hơn trồng cả mấy cây đào, một khóm hoa giấy, mấy gốc hoa hồng… Ngày nào đi học, đi làm và về, Thuận cũng được thơm lây bởi con ngõ rất nhiều hoa rực rỡ. Và khi bước vào căn phòng, thế giới ẩm thấp và hôi hám của mình, nhiều lúc Thuận thấy tủi thân. Chen một chân ngoài xã hội đã khó. Có được một căn phòng nhỏ còn khó hơn. Và những người như anh, cố gắng đến bao giờ để có vợ, con và một căn nhà gọi là nhìn được? Anh mới có một căn phòng hẹp, đi vào bằng ngõ hoa…Đôi ba lúc, anh thấy đời trớ trêu thay: Đi qua sự sặc sỡ của hoa là thế giới nhỏ đầy lo toan của anh.
*
* *
Thuận cưới vợ, cô gái ưa nhìn, được nhiều người thích. Có lúc Thuận thấy mình lấy được Hòa thật may. Tại sao cô ấy lại chọn một người nghèo như mình, trong khi ngày đó khối anh cưỡi xe bóng lộn đắt tiền rập rình đầu ngõ dãy trọ. Một lần vui, Thuận hỏi Hòa điều đó thì nhận được một câu rất khéo: “Em nhận thấy vẻ chân thật ở con người anh. Anh cũng là người có trách nhiệm với gia đình”.
Hai vợ chồng sống trong căn phòng mười hai mét. Thuận động viên vợ:
- Em cứ cố gắng, chúng mình làm tích cóp dần, rồi sẽ kiếm căn nhà khá hơn.
Hòa cười, nụ cười rất nhân hậu. Chị hy vọng anh sẽ làm được những điều lớn lao hơn.
Nhưng cuộc sống chưa chiều lòng Thuận và Hòa. Bố mẹ Thuận ốm liên miên. Anh ở Hà Nội, là đầu mối để các cụ nhờ. Già cậy con là vậy. Là trai cả, Thuận phải đưa bố mẹ đi chạy chữa, thuốc thang, vả lại các cụ ở quê ra chẳng có tiền. Lúc bí, khi thì ông, khi thì bà phải ở lại phòng của Thuận chờ điều trị. Hai vợ chồng thì thế nào cũng được, nhưng có phụ mẫu thì phải gọn gàng, giữ ý và thật sự chuyện sinh hoạt bất tiện. Hai năm rồi ba năm, công việc trầy trật, được vài đồng tích lũy thì Thuận phải bỏ ra cho bố mẹ chữa bệnh. Dường như ở căn phòng ẩm thấp, không khí lại không bảo đảm nên Hòa mắc chứng viêm xoang, viêm phổi cấp, rồi đủ thứ bệnh linh tinh đổ dồn dẫn đến xanh xao vàng vọt.
Hòa sinh thêm bệnh nghĩ nhiều. Chị trăn trở và ao ước một cuộc sống tốt hơn. Đây cũng được coi như tố chất của con người. Nhưng điều đó đã thành hơi quá đà khiến có lúc tủi thân, chị ân hận đã cưới Thuận, đồng thời có ý nghĩ đứng núi này trông núi nọ. Giá đồng ý lấy một người giàu có về chẳng phải lo chuyện tiền nong, cửa nhà. Chị thèm khát sống trong những căn nhà đầy hoa mà hàng ngày đi qua ngõ chị vẫn nhìn thấy. Cách đó không xa, người ta xây dựng cả chục khu nhà, trong liên hợp khu chung cư cao cấp Moon City, chị cũng nghĩ.
- Giá mình có tiền mua một căn trong đó, anh nhỉ. Chắc sống sướng lắm - Hòa nói với chồng.
Người chồng bỗng thấy mình kém cỏi, quay đi, không nói lời nào.
Hòa nói tiếp, đúng ý nghĩ mà trước đây anh đã từng nghĩ:
- Ở ngõ mình, nhiều người giàu anh nhỉ. Họ toàn sống trong biệt thự thôi. Họ trang trí những chậu cảnh, những cây hoa thật thích. Đời mình biết bao giờ được ở trong ngôi nhà như thế.
Thuận thấy đắng đót trong miệng và nghẹn ứ ở tim.
*
* *
Năm năm trôi qua, vợ chồng Thuận chẳng dành được bao nhiêu tiền. Thật ra, số đó chỉ đủ mua hai mét trong một căn chung cư bình thường. Hai người có một con trai và đang kế hoạch vì nhà chật quá, vả lại Hòa đang yếu. Những giàn hoa giấy xinh tươi vẫn nở lợp trên ngõ đi. Những mùa xuân đến, hoa đào khoe hương khoe sắc. Một con ngõ đẹp như mơ. Một khu nhiều biệt thự đẹp như mơ. Những điều đó đối nghịch với căn nhà ẩm thấp của vợ chồng Thuận, dù hai người đã cố cơi nới chống thấm, chống dột, chống nóng. Hay là dồn tiền, xin xây lên hai tầng. Diện tích nhỏ, nhưng chắc chắn vẫn có đường xin. Thuận nghĩ. Chợt vợ lại húng hắng ho. Và hôm sau thì ông bố đột ngột gọi điện, báo đang bắt xe khách ra khám dạ dày. Ông đau liên miên nhưng không bỏ được rượu. Ôi không, ông phải mổ, dạ dày rạn rồi, sắp bục. Thuận bán hai chỉ vàng, kết hợp với số tiền cất sâu dưới đáy hòm tôn dồn lại để bố đẻ mổ. Hai vợ chồng buốt ruột động viên nhau. Hòa nói: “Nhưng em thấy cuộc sống ngột ngạt quá!”
Hòa đã than vãn rất nhiều lần rồi. Nhất là quãng thời gian sinh con, con nhỏ quấy khóc, liên miên thăm khám bác sĩ, chi tiền, có lúc Hòa bị stress. Khi đó, nỗi khao khát sống thoáng đãng thoải mái đủ đầy hơn luôn sôi trào trong câu nói và ý nghĩ chị. Chị thúc vào tim Thuận. Lời chị giục anh dấn bước. Nhưng làm thế nào được. Tài hèn sức mọn, anh nghĩ, làm sao có thể một chốc một lát trở nên giàu có. Anh giấu nước mắt vào đêm. Anh thấy mình hèn vì để vợ phải khao khát những điều vượt quá sức của mình. Rồi khi vừa điều trị bệnh dạ dày cho bố xong, thì Hòa cần một khoản lớn để điều trị bệnh u xơ vú. U lành, nhưng cũng phải phẫu thuật tốn kém. Nhà cạn tiền, con cần đóng học, Thuận không xoay đâu ra, cuối cùng nói khó với Hòa:
- Anh rất ân hận vì đã dồn nhiều tiền chữa bệnh cho bố, nay em không còn tiền phẫu thuật. Em ơi, em thông cảm cho anh. Em gọi điện hỏi vay bố mẹ đẻ em giúp anh, rồi anh đưa em vào viện.
- Đừng nói thế. Chữa bệnh cho bố mẹ là trách nhiệm của con cái mà - Hòa nói - chỉ trách chúng mình nghèo quá. Anh đừng áy náy, em sẽ gọi điện về hỏi vay, chắc bố mẹ sẽ gửi ra luôn thôi.
Hòa nằm viện, trong lúc mơ cũng nhắc tới ao ước của mình là được sống trong ngôi nhà sang trọng. Thuận nghe thấy mà ứ nghẹn.
*
* *
Giữa tháng mười một, trời bắt đầu trở rét, sau phẫu thuật, Hòa được chồng đón về nhà. Hôm sau, trong lúc ăn cơm, Thuận bảo Hòa nhà mình sẽ chuyển đến một căn nhà đẹp để ở. Hòa hỏi sao? Thuận nói:
- Gia đình bạn anh sang định cư bên Pháp, bảo anh trông nhà hộ, và nếu muốn có thể sang ở.
Hòa vui lắm, đồng ý. Hôm sau nữa họ chuyển đồ sang, phòng cũ khóa để đấy. Đúng là ngôi nhà tốt thật, hai tầng thôi nhưng khá rộng, có tới hai phòng ngủ và có đệm giường. Không cần sang trọng hơn, với Hòa như thế này là quá tuyệt vời. Nhưng chị thấy xa lạ, đêm ngủ không yên giấc. Hòa nói với chồng. Anh bảo vợ cứ cố, chỉ một thời gian là quen. Nhưng ở qua một tháng, Hòa cứ thấy bồn chồn lo lắng, không thoải mái như căn phòng mười hai mét vuông.
Cuối tháng Chạp, người phố nô nức chuẩn bị đón Tết. Khách đến “dinh đào” nườm nượp. Những người trong biệt thự ở ngõ hoa đào cũng rộn ràng sắm mua. Hòa thấy nhớ căn phòng trong ngõ và lòng dạ bồn chồn, đến ngày Hai tám Tết vẫn chưa mua sắm gì. Đúng sáng Ba mươi, Thuận đi chút chuyện, Hòa đang chơi với con thì có người đàn bà đến đòi tiền nhà. Bà bà ta nói Thuận mới đưa được hai phần ba và hẹn hôm nay đến lấy nốt. Hòa thấy choáng váng. Hóa ra, chồng mình đâu có quen ai giàu có đi Pháp và cho mượn nhà. Thì ra, chỉ vì muốn vợ được ở nhà khá hơn, Thuận đã đi thuê nhà.
Hòa lấy số tiền định dùng sắm Tết trả bà chủ và nói không thuê nữa. Chị gói gém đồ đợi chồng. Trưa, Thuận về, Hòa bảo:
- Chúng mình về nhà cũ thôi anh. Hôm nay chủ nhà đến lấy nốt tiền và không cho chúng ta thuê nữa.
Thuận thấy cứng đơ miệng. Hòa đã biết hết chuyện rồi. Trời ơi!
Ba người chuyển đồ, khệ nệ dỡ từ chiếc xe ba bánh xuống. Ngõ hoa đào đã rực rỡ hoa. Hòa thấy lòng trào dâng niềm vui khó tả. Còn Thuận thấy áy náy và xấu hổ. Biết tâm trạng chồng, Hòa động viên:
- Đừng vì em mà làm vậy nữa. Em hiểu tình yêu của anh dành cho em. Từ giờ chúng ta cứ sống vui vẻ trong căn phòng chặt chội, ở con ngõ hoa đào tuyệt đẹp này. Chúng ta sẽ cố gắng làm lụng, rồi sẽ có lúc đổi đời.
Hòa phân công chồng và mình, mỗi người đi mua sắm vài thứ, bằng số tiền Thuận vay được từ em trai rẽ qua hỏi thăm anh trai. Thuận nói, mồng Hai sẽ về quê. Thuận đã mua cả một cành đào bích rực rỡ hoa.
Năm nay, xuân thật sự về trong căn phòng nhỏ, nơi cuối ngõ hoa đào.