Ngoại thành khởi sắc nhờ nông thôn mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo trong 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo khu vực ngoại thành của Hà Nội. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đang không ngừng được nâng cao.

Hạ tầng ngày một đồng độ, khang trang
Nằm giáp ranh tỉnh Phú Thọ, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) là một trong những địa phương vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nhất của Hà Nội. 5 năm trước, chúng tôi phải mất nhiều giờ đồng hồ đi từ trung tâm TP để vào các thôn bản của xã Minh Quang bởi đường đất rất khó đi.
Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các tuyến giao thông liên thôn, bản tại xã Minh Quang đã được cứng hóa. Những mái nhà kiên cố dần thay thế nhà dột nát, tạm bợ như minh chứng cho sự chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây.
Những con đường bích họa góp phần tô điểm diện mạo nông thôn tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Ảnh: Trọng Tùng

Chủ tịch UBND xã Minh Quang Phạm Tiểu Long cho biết, trong khoảng 5 năm qua, TP, huyện Ba Vì và các quận nội thành đã hỗ trợ địa phương hàng trăm tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó, tập trung vào nâng cấp hạ tầng nông thôn. Sự quan tâm lớn đó đã giúp xã Minh Quang tiến thêm một bước dài trong mục tiêu về đích NTM năm 2019.
Không chỉ riêng xã Minh Quang, Chương trình xây dựng NTM đã và đang thực sự tạo nên nét đổi thay căn bản, toàn diện cho khu vực ngoại thành. Theo đó, gần 10 năm qua, TP đã xây dựng mới, nâng cấp cải tạo được 5.912km đường giao thông nông thôn.
Hiện, đã có 379/386 xã trên địa bàn Hà Nội đạt tiêu chí này. Cùng với đó, 3.328km đường dây trung thế và hơn 17.000km đường dây hạ thế đã được nâng cấp, xây dựng mới. 427km cáp ngầm cùng gần 5.000 trạm biến áp cũng được cải tạo. Đến nay, điện lưới Quốc gia đã phủ kín nông thôn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Từ năm 2010 đến nay, toàn TP cũng đã xây dựng mới 481 trường học, nâng cấp và cải tạo 987 trường học. Hiện, 90% tổng số xã đã đạt và cơ bản đạt tiêu chí cơ sở vật chất giáo dục. Mạng lưới, quy mô trường lớp ngày một hiện đại. Trẻ em tại các địa phương vùng sâu, vùng xa như Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Chương Mỹ... đã và đang được tiếp cận chất lượng giáo dục và đào tạo ngày một tốt hơn. Các thiết chế văn hóa, thể thao khu vực nông thôn từng bước đổi mới, cơ sở vật chất được tăng cường. Trên 92% thôn, làng đã có nhà văn hóa. 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính. 100% các xã có dịch vụ viễn thông, internet đến các thôn...
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chỉ đạo sát sao của TP, khu vực ngoại thành Hà Nội đã thực sự “thay da đổi thịt". Những miền quê đáng sống đang ngày một được nhân rộng tại khu vực nông thôn.
Đời sống nông dân được cải thiện
Nằm ven hồ Đồng Sương, giáp ranh tỉnh Hòa Bình, thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) từng có điều kiện kinh tế chậm phát triển nhất của Hà Nội. Bốn bề núi đá, đất đai cằn cỗi khiến canh tác nông nghiệp nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Những tưởng cái nghèo, cái đói sẽ còn bủa vây dai dẳng xứ Mường này nhưng nhờ có chương trình xây dựng NTM, cuộc sống của người dân đã thực sự đổi thay.
Bà Nguyễn Thị Sáng (63 tuổi) thôn Đồng Ké chia sẻ: Từ khi hệ thống thủy lợi được Nhà nước đầu tư xây dựng, bà con đã không còn phải lo lắng về nguồn nước sản xuất. Nếu như trước đây, bà con chỉ cấy được 1 vụ Mùa, thì nay một năm, có thể canh tác tới 3 vụ!
Nguồn thu nhập của người dân nơi đây cũng được đa dạng hóa. Thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, hàng trăm đồng bào thôn Đồng Ké đã được đào tạo nghề. Nhờ hạ tầng được nâng cấp, toàn xã có khoảng 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động. Từ một bản Mường với tỷ lệ đói nghèo có thời điểm lên tới gần 30%, đến nay, tổng số hộ nghèo trong thôn đã giảm chỉ còn khoảng 2,5%.
Đổi thay trong đời sống kinh tế của thôn Đồng Ké là một lát cắt trong sự phát triển chung của khu vực ngoại thành Hà Nội đến từ chủ trương đầu tư, phát triển nông nghiệp – nông thôn đúng đắn, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm của TP.
Theo đó, từ khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, TP đã mạnh dạn chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá cho phát triển nông nghiệp để tập trung chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn TP đã dồn điền đổi thửa được 79.454ha. Sau dồn điền đổi thửa, TP đã tập trung chuyển đổi được 40.227ha đất nông nghiệp sang các mô hình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Toàn TP đã hình thành 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và duy trì hiệu quả 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá... Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2018 của Hà Nội đạt 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM (250 triệu đồng/ha/năm).
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 (13 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%; một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,92%...
Từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế. Điển hình là sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít; tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, TP Hà Nội xác định nhiệm vụ đột phá từ nay đến 2020 là đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, từ nay đến 2020, TP sẽ tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. Đối với mục tiêu trên, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia xây dựng NTM là yếu tố cốt lõi.
Hà Nội xác định nâng cao đời sống nông dân là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề; chuyển đổi lao động nông nghiệp; thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao sẽ được chú trọng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình của T.Ư và TP về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập. Mở rộng sản xuất trong các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn. Đây là những nhóm giải pháp rất quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo của Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của TP Hà Nội tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn Hà Nội đã đổi thay tích cực. Niềm tin với Đảng của Nhân dân được nâng lên. Chương trình thực sự là luồng gió mới tích cực cho sự phát triển vùng nông thôn Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng mang tính chiến lược lâu dài. Do đó, rất cần sự ủng hộ, chung sức của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời tin tưởng, Hà Nội sẽ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để xây dựng nông thôn phát triển tiên tiến, đi trước và dẫn đầu cả nước, để luôn xứng đáng là “lá cờ đầu” trong xây dựng NTM.


Với việc có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, TP Hà Nội hiện đứng thứ 3 cả nước về số huyện đạt chuẩn. Toàn TP cũng đã có 325/386 xã về đích NTM (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần