Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngoại trưởng Clinton: Mỹ muốn giữ vai trò lãnh đạo ở châu Á-Thái Bình Dương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Chúng ta đang ngày càng tham gia tích cực hơn vào khu vực này (châu Á-Thái Bình Dương) cùng với các đồng minh, các đối tác, các lực lượng mới nổi lên, các thể chế được xây dựng để gìn giữ hòa bình, thúc đẩy thịnh vượng và ổn định".

KTĐT - "Chúng ta đang ngày càng tham gia tích cực hơn vào khu vực này (châu Á-Thái Bình Dương) cùng với các đồng minh, các đối tác, các lực lượng mới nổi lên, các thể chế được xây dựng để gìn giữ hòa bình, thúc đẩy thịnh vượng và ổn định".

Trước thềm chuyến thăm hai tuần đến châu Á, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Mỹ muốn củng cố vị trí lãnh đạo ở châu Á-Thái Bình Dương và kêu gọi sự hợp tác của Trung Quốc đối với các vấn đề khu vực.

Trong bài phát biểu được cho là đã khái quát chính sách của Mỹ đối với châu Á, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng và những thay đổi xã hội ở khu vực đang tạo ra "một tương lai mà trong đó Mỹ phải đi đầu".

"Nếu các vấn đề an ninh, kinh tế, chính trị có hệ lụy được đưa ra bàn luận và nếu chúng liên quan đến lợi ích của chúng ta, thì chúng ta cũng phải có một chỗ trên bàn thảo luận", Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.

Ngoại trưởng Clinton cũng phác họa một kế hoạch về chính sách ngoại giao "đi trước" trong đó bao gồm giải quyết các vấn đề kinh tế, thúc đẩy an ninh khu vực và đẩy mạnh dân chủ, những mục tiêu mà Clinton nói Mỹ đã theo đuổi trong hàng thập kỷ.

"Chúng ta đang ngày càng tham gia tích cực hơn vào khu vực này (châu Á-Thái Bình Dương) cùng với các đồng minh, các đối tác, các lực lượng mới nổi lên, các thể chế được xây dựng để gìn giữ hòa bình, thúc đẩy thịnh vượng và ổn định", bà Clinton khẳng định.

Tuyên bố khẳng định vị trí lãnh đạo của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng nổi lên với sức mạnh về kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định việc nhìn nhận mối quan hệ Trung-Mỹ trong xung đột là sai lầm.

"Người ta thường gán ghép vấn đề được-mất cho mối quan hệ này (Mỹ-Trung), nếu một trong hai thành công thì bên còn lại thất bại", Clinton nói. "Nhưng, đó không phải là quan điểm của chúng tôi. Trong thế kỷ 21, sẽ không ai có lợi khi Mỹ và Trung Quốc coi nhau như thù địch".

Với việc Trung Quốc đang có một vai trò ngày càng lớn trong khu vực, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc hợp tác với Mỹ trong các vấn đề được coi là nguồn gốc mâu thuẫn giữa hai nước.

Cụ thể Clinton kêu gọi Trung Quốc hợp tác trong vấn đề Triều Tiên, Iran; tăng cường hợp tác về vấn đề thay đổi khí hậu và quân sự. Clinton cũng thúc giục Trung Quốc thực hiện những thay đổi chính sách có tính trách nhiệm, tạo ra một môi trường kinh doanh thương mại tốt hơn, điển hình là ở lĩnh vực tiền tệ.

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton được thực hiện tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trước đó, có thông tin rằng Mỹ đang cho xây dựng một siêu căn cứ quân sự tại đảo này với tổng chi phí lên tới hơn 11 tỉ USD để di chuyển số quân Mỹ ở Nhật Bản tới đây, và cũng được cho là để đối phó với sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. Clinton dành vài giờ ở đảo Guam trong khi đợi máy bay nạp nhiên liệu trước khi đến Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

"Tôi sẽ từ đây đến Việt Nam, một đất nước mà chúng ta đang phát triển một mối quan hệ mạnh mẽ hơn, điều mà 10 năm trước chúng ta thậm chí không tưởng tượng được, nói gì là đến 40 năm trước", AFP dẫn lời Clinton phát biểu.

Chuyến thăm châu Á của bà Clinton dự kiến sẽ gồm các chặng Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Papua New Guinea, New Zealand, Australia và American Samoa. Đây là chuyến công du châu Á thứ 6 của Hillary Clinton với tư cách ngoại trưởng Mỹ và là một trong những chuyến công du dài ngày nhất.

Ngày mai, Clinton sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra tại Hà Nội. Năm nay là lần đầu tiên ngoại trưởng Nga, Mỹ tham gia hội nghị này với tư cách khách mời đặc biệt. ASEAN chính thức mời hai cường quốc này tham gia vào các hội nghị diễn ra từ 2011.

Song song với chuyến công du châu Á của Clinton, Tổng thống Barack Obama cũng sẽ bắt đầu chuyến thăm đến khu vực vào đầu tháng tới. Tổng thống Obama sẽ đến Ấn Độ và Indonesia và tham dự hai hội nghị quốc tế ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Những hoạt động này cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương, như cam kết của ông Obama khi mới lên nhậm chức.