KTĐT - Tại Thượng Hải, các công nhân nhập cư trong bộ đồ dính bụi đường cùng một đống “đèo bòng” trên vai chen chân ở nhà ga chính của thành phố trong khi trời có tuyết rơi nhẹ.
Cuộc hồi hương lớn nhất thế giới đã bắt đầu ở Trung Quốc vào ngày hôm qua khi hàng triệu hành khách trên khắp đất nước lên tàu, xe buýt để trở về quê nhà ăn Tết, đón năm mới âm lịch.
Bộ Giao thông Trung Quốc cho hay số lượng các chuyến “hồi hương” của hành khách bằng tàu hỏa, máy bay, tàu thủy và xe buýt ước tính đạt 2,6 tỷ trong giai đoạn trước, trong và sau Tết, tăng 11,6% so với năm ngoái.
Tại Thượng Hải, các công nhân nhập cư trong bộ đồ dính bụi đường cùng một đống “đèo bòng” trên vai chen chân ở nhà ga chính của thành phố trong khi trời có tuyết rơi nhẹ.
“Tôi phải mất 3 ngày mới mua được chiếc vé ghế cứng”, Zhang Guoxing, công nhân xây dựng 29 tuổi cho biết trước khi bắt đầu hành trình kéo dài 18 giờ trở về Hồ Nam ở miền trung.
“Năm nay tôi gặp may bởi có thể rời Thượng Hải sớm hơn. Năm ngoái tôi phải mất 5 ngày mới mua được vé”, anh cho biết. Anh đã phải dậy từ 4h sáng để xếp hàng mua vé trước khi quầy vé bán hết sạch.
Mặc dù nghỉ Tết âm lịch (kéo dài một tuần) chính thức bắt đầu vào ngày 3/2 tới, nhưng nhu cầu mua vé đã tăng cao từ nhiều tuần trước. Mùa đi lại trong dịp Tết ước tính phải đến 27/2 mới kết thúc.
Theo Tân Hoa xã, số lượng các cuộc “hồi hương” đã tăng lên chóng mặt trong vòng một thập niên qua. “Kinh tế phát triển mạnh là lý do cho sự tăng trưởng này. Thu nhập cao hơn, cùng với phương tiện đi lại tốt hơn khiến cho mọi người đi lại dễ dàng hơn”, Xu Guangjian, phó khoa của trường Quản trị công thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc cho hay.
Theo Thứ trưởng đường sắt Trung Quốc Wang Zhiguo, trong dịp này trung bình mỗi ngày có có 2.265 chuyến tàu chở người về quê ăn tết. Ngoài ra, ông cho biết thêm gần 300 chuyến tàu thêm khác được huy động để chuyên chở một lượng kỷ lục ước tính có thể lên tới 230 triệu hành khách trong thời gian kỷ lục.
Ông Wang thừa nhận tình trạng thiếu vé là khó tránh khỏi và sẽ phải mất ít nhất 5 năm nữa mạng lưới đường sắt đang được mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc mới đáp ứng được đủ nhu cầu.
Theo các báo chí địa phương, nhiều công nhân lao động năm nay đã quyết định về quê sớm để tiết kiệm tiền, bởi chi phí cho nhu yếu phẩm hàng ngày tăng chóng mặt ở các thành phố.
Giá cả thực phẩm trong nước đã tăng vọt vào năm 2010, khiến lạm phát trong tháng 11 tăng lên 5,1%, mức tăng nhanh nhất trong vòng hơn 2 năm qua.
Cuộc “di trú” khổng lồ hàng năm này thường gây ra tình trạng thiếu lao động ngắn, khiến các ông chủ nhà máy lo lắng không biết khi nào công nhân của họ mới trở lại, hay họ có trở lại hay đã đi tìm những cơ hội khác tốt hơn.
Ở tỉnh miền nam Quảng Đông, một số công ty thậm chí còn tăng lương hoặc mua vé tàu xe để khuyến khích công nhân ở lại cho đến hết tháng. Wang Jianping, giám đốc nhà máy may mặc ở Hexian tại thành phố Dongguan của Quảng Đông cho biết ông đã phải tất bật ngược xuôi đi mua vé cho những công nhân còn lại sau khi 3/4 công nhân nhà máy đã bỏ về quê.
“100 người còn ở lại đây vì nhà họ không xa lắm. Họ là những người duy nhất sẵn sàng làm việc đến cuối tháng nếu chúng tôi đảm bảo mua vé cho họ”, Wang cho biết.