Ông Nguyễn Tiến Lập - Chuyên gia Luật, Hội đồng khoa học, Viên Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông - IPS |
- Hiện giữa người dân và đơn vị cung cấp nước có hợp đồng nước - hợp đồng dân sự, nhưng các hộ gia đình chịu ảnh hưởng trong sự cố vừa rồi đã thử xem lại trong hợp đồng cung cấp nước có điều khoản nào bảo vệ người tiêu dùng hay không? Tôi cũng đã xem rồi, nhưng thực sự là không thể cãi được vì đây là hợp đồng soạn theo mẫu, đã được đơn vị cung cấp nước tính toán một cách kỹ lưỡng, trước khi xin ý kiến của các đơn vị có liên quan cũng như đưa cho người dân ký.
Đối với các vụ việc kiểu này, muốn khởi kiện ra tòa, thứ nhất, người khởi kiện phải chứng minh được hành vi phạm của bị kiện, trong trường hợp này là Viwasupco. Và việc đầu tiên sẽ được bàn đến đó là hợp đồng nước, trong người dân sẽ xoáy vào các vấn đề như, nước có mùi, cấp nước không đảm bảo… Tuy nhiên, trong hợp đồng không có điều khoản nào quy định như vậy, mặt khác, theo thông báo của Viwasupco tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT, nước vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Việc thứ 2, cần phải làm là xác định được thiệt hại do hành vi vi phạm của bị kiện gây ra, trong đó có cả thiệt hại về sức khỏe cũng như kinh tế. Tuy nhiên, việc xác định những thiệt hại về kinh tế thì có thể xác định được, nhưng việc xác định được những ảnh hưởng về sức khỏe của người dân gặp phải do sử dụng nguồn nước của Viwasupco, trong thời điểm nguồn nước sản xuất bị nhiễm dầu, là không dễ.
Như cách lý giải của ông, có thể hiểu là người dân sẽ không có cách nào để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, từ sự tắc trách của Viwasupco gây ra?
- Không hẳn như vậy, người dân vẫn có thể khởi kiện Viwasupco ra tòa, song đây là vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của hơn 1 triệu người dân Hà Nội, tương đương khoảng 250.000 hộ. Do đó, nếu mỗi gia đình đều làm đơn khởi kiện Viwasupco thì nguy cơ sẽ trở thành khiếu kiện đông người, điều mà pháp luật hiện không cho phép.
Để khởi kiện Viwasupco, cách hợp lý, hiệu quả nhất là người dân khởi kiện thông qua Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Hội Bảo vệ người tiêu dùng) - đơn vị đại diện cho người tiêu dùng nói chung.
Bởi, nếu khởi kiện thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng, người khởi kiện sẽ không cần phải có hợp đồng, miễn là có sử dụng sản phẩm, nhưng sản phẩm này gây thiệt hại cho mình. Mặt khác, luật này không cần người khởi kiện phải chứng minh những thiệt hại, tồn thất về kinh tế hay tinh thần do việc sử dụng sản phẩm gây ra, đơn vị cung cấp sẽ có trách nhiệm phải chứng minh điều ngược lại.
Chưa hết, hiện nay, chúng ta cũng đang có trong tay Luật Bảo vệ sức khỏe Nhân dân, luật này rất giống hiến pháp về bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Trong đó, quy định tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, các bên đều có trách nhiệm chăm lo bảo vệ sức khỏe của Nhân dân và liên quan đến chuyện nước có điều nói rằng, đã cung cấp nước thì đơn vị cung cấp nước phải cung cấp nước đạt vệ sinh, và nếu không cung cấp nước đảm bảo vệ sinh thì phải chịu xử lý trước pháp luật.
Vậy, trong trường hợp người dân thắng kiện, Viwasupco sẽ phải đối mặt với án phạt như thế nào, thưa ông?
- Trong trường hợp người dân khởi kiện thành công, tôi tin rằng, Công ty CP Đầu tư kinh doanh nước sông Đà - Viwasupco chắc chắn sẽ phá sản… vì số tiền đền bù cho những người dân bị ảnh hưởng sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng có để cho Viwasupco phá sản hay không, bởi nếu Viwasupco phá sản, đơn vị nào sẽ cung cấp nước cho hơn 1 triệu người dân khu vực phía Tây TP Hà Nội và các vùng lân cận.
Vụ Vedan là một ví dụ điển hình, tại thời điểm đó, không phải họ thua về luật pháp mà họ thua vì người tiêu dùng có phong trào tẩy chay hàng hóa của Vedan, công ty ngấp nghé bên bờ vực phá sản nên buộc Vedan phải bồi thường.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta không thể tẩy chay nước được, vì đằng sau đó còn rất nhiều vấn đề, đặc biệt là bài toán ai sẽ là đơn vị cấp nước sạch - một trong nhu cầu thiết yếu của cuộc sống của người dân.
Xin cảm ơn ông!