Vì thế, không chỉ là “nhiệm vụ bắt buộc”, nhiều quận, huyện tại Hà Nội còn coi đây là giải pháp quan trọng để tạo sự đồng thuận, giúp phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.
“Cột” rõ trách nhiệmNgày 25/5/2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP. Trong đó, Thành ủy yêu cầu việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hàng năm. Đặc biệt, Quy chế “cột” rõ trách nhiệm cơ quan chức năng phải thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của Nhân dân. Chậm nhất 30 ngày làm việc sau khi có thông báo trên, các cơ quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả xem xét, giải quyết các vụ việc. Điều này giúp cho công tác đối thoại không còn hình thức, không làm chung chung cho… có.
|
Cử tri quận Bắc Từ Liêm trình bày ý kiến với lãnh đạo TP Hà Nội tại buổi tiếp xúc ngày 7/8/2017. Ảnh: Công Hùng |
Thực tế, không phải chờ đến khi có Quy chế cũng như các vấn đề “nóng” dân sinh bức xúc, một số địa phương đã chủ động tổ chức đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch UBND với người dân như tại huyện Phúc Thọ, quận Bắc Từ Liêm. Theo Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lê Văn Thư, mối liên hệ giữa cấp ủy và Nhân dân có tốt hay không chính từ những nguyện vọng chính đáng của người dân được cấp ủy lĩnh hội, tiếp thu, giải quyết kịp thời. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc tốt hơn nữa theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Với nhiều vấn đề người dân kiến nghị cụ thể, tại các hội nghị đối thoại, Bí thư, Chủ tịch đều yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời cụ thể, không chung chung theo kiểu "cơ bản xong", mà ấn định thời gian cụ thể phải dứt điểm. Nội dung của cuộc đối thoại, đặc biệt là chỉ đạo giải quyết kiến nghị của người dân sẽ được ghi rõ vào biên bản. Đây là căn cứ để lãnh đạo quận kiểm điểm và MTTQ cùng các đoàn thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan chức năng của quận sau này.
Chính vì “áp lực” lời hứa của người đứng đầu với người dân như vậy nên các cơ quan chức năng phải tập trung, đeo bám giải quyết hơn để có đáp án cụ thể, vừa chất lượng, vừa đảm bảo tiến độ đề ra. Điều này không chỉ giúp cho từng kiến nghị của người dân được giải quyết tốt, còn giúp cho nhiệm vụ chung “trôi” hơn, đạt hiệu quả hơn.
Dân chủ, đồng thuậnNhận thức rõ cái lợi ấy, nhiều địa phương khác đã tiến hành tổ chức đối thoại với Nhân dân với nhiều cách làm sáng tạo. Đơn cử như quận Thanh Xuân đối thoại theo chuyên đề riêng về thủ tục hành chính để giúp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho người dân, DN, đồng thời nâng cao thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Là địa phương đi đầu thực hiện đối thoại, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú chia sẻ: “Bức xúc của người dân ở nông thôn liên quan chủ yếu đến đất đai. Nhờ đối thoại, chính quyền nắm bắt kịp thời tình hình, thấy nơi nào xuất hiện những vấn đề bức xúc là vào cuộc giải quyết ngay. Chúng tôi yêu cầu cả Chủ tịch UBND xã tham gia tiếp dân, đối thoại với dân cùng lãnh đạo huyện. Nhờ cách làm như vậy, hiện nay về cơ bản, tất cả các vi phạm đất đai trên địa bàn đều đã được xem xét giải quyết”.
Ông Hoàng Mạnh Phú cho biết thêm, không chỉ đối thoại thường kỳ, lãnh đạo huyện còn tổ chức đối thoại đột xuất với dân để giải quyết những vấn đề phát sinh. Tất cả những nội dung như vậy đã được đưa vào Quy chế đối thoại do Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành. Với quy chế này, bước đầu đã “chuẩn hóa” hoạt động đối thoại với dân. Đây cũng là giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, phát huy tinh thần dân chủ, tạo đồng thuận từ cơ sở để chung tay xây dựng địa bàn vững mạnh hơn.