Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, hoạ sỹ Nguyễn Đức Dụ sống tại làng Ngọc Hà (nay là phường Ngọc Hà), quận Ba Đình, Hà Nội. Dẫn phóng viên vào phòng vẽ, hoạ sỹ Đức Dụ chia sẻ: "Tôi đã tặng khá nhiều bức vẽ về chiến tranh của mình cho các bảo tàng. Tôi là một hoạ sỹ không tổ chức nhiều đợt triển lãm tranh. Suốt từ năm 1976 đến nay, kể từ sau khi hoà bình thống nhất đất nước, tôi mới tổ chức 14 lần triền lãm, nhưng mỗi lần triển lãm tranh về đề tài chiến tranh hay phong cảnh đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, chính khách. Đặc biệt, tranh về đề tài chiến tranh được rất nhiều người nước ngoài quan tâm. Đã có một người nước ngoài tìm đến nhà tôi để mua toàn bộ kho tranh với giá hàng chục triệu đôla, nhưng đổi lại tôi không được triển lãm tranh về đề tài chiến tranh. Đây là số tiền quá lớn đối với cá nhân gia đình tôi. Nhưng tôi không vì tiền mà bán rẻ lương tâm, bán rẻ đồng đội và Tổ quốc mình được”.
Cảnh người lính vận tải quân nhu, yếu phẩm trong chiến trường. |
Tranh vẽ về bộ đội và nhân công hoả tuyến sửa đường cho xe bộ đội qua đường Trường Sơn. |
Bằng đam mê và tâm huyết, hoạ sỹ Đức Dụ đã kể về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, và sự thầm lặng hy sinh của bao người trong rừng sâu, núi thẳm. Những bức hoạ của ông như những thước phim tả thực về cuộc sống, chiến đấu đầy cam go, dũng cảm của bao thế hệ đi trước trong dành độc lập thống nhất nước nhà, thể hiện ý chí sục sôi cách mạnh của người lính bộ đội cụ Hồ đã làm nên trang sử chói lọi của dân tộc Việt Nam.
Theo nhà văn, họa sỹ Trần Nhương: Tranh của hoạ sỹ Đức Du tả thực, đầy tính thời sự, nhưng lại mang tính nghệ thuật cao, do đó mỗi bức hoạ của hoạ sỹ Đức Dụ là một câu chuyện kể rất thật, đầy cảm xúc, sinh động, cuốn hút người người xem. Dù vẽ đề tài chiến tranh, hay sau này ông về với cuộc sống đời thường, thì họa sỹ Đức Dụ vẫn dành tình yêu, niềm đam mê với nghệ thuật. Dù về đề tài chiến tranh hay phong cảnh về những làng mạc, phố xá, dòng sông, con đò, nếp nhà mái ngói xô nghiêng, bờ tre xanh rì, … thì người xem thấy những nét riêng biệt trong tranh của ông, lồng vào vừa là cảm xúc của ông hòa chung với tình người nơi đó.