Bộ LĐTB&XH đã có trả lời người dân về chế độ, chính sách đối với người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Theo quy định của Luật Người khuyết tật, Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác.
Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và thu nhập phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.
Đối với người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ.
Còn theo quy định của Luật Việc làm thì người lao động khuyết tật; DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn.
Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng quy định Nhà nước hỗ trợ người khuyết tật nhằm tạo cơ hội cho họ được học tập để tìm việc làm, tự tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình chính sách dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật. Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có chính sách trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật. Nhà nước phấn đấu đến năm 2030 có 300.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong đó quy định người khuyết tật không có sinh kế ổn định được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ sinh kế và phát triển sản xuất.
Tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 có ưu tiên hỗ trợ các hộ thuộc đối tượng chính sách xã hội bao gồm: người khuyết tật trên địa bàn các xã khó khăn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sản xuất và sinh hoạt của người dân.