Người Việt chi 6 triệu Euro để mua ấn Hoàng đế chi bảo

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà sưu tập Nam Hồng - Chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng đã chi trả 6 triệu Euro để mua ấn vàng Hoàng Đế chi bảo về Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Nhà nghiên cứu, nhà báo Đào Phan Long – Tạp chí Cổ vật tinh hoa cho biết, người đã bỏ tiền ra để hồi hương ấn vàng Hoàng Đế chi bảo chính là nhà sưu tập Nam Hồng – Chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng ở Từ Sơn, Bắc Ninh.

Nhà báo Đào Phan Long (trái) và ông Nam Hồng. Ảnh: NVCC.
Nhà báo Đào Phan Long (trái) và ông Nam Hồng. Ảnh: NVCC.

Theo đó, vào tháng 11/2022, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng với Công ty Cổ phần Millon do ông Alexandre Millon đại diện đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng tác phẩm nghệ thuật (ấn vàng) theo thỏa thuận chung bằng một bản thỏa thuận bổ sung. Nội dung của hợp đồng nhằm khẳng định tính hợp pháp, công khai việc mua được ấn quý mang về nước.

Nhà nghiên cứu Đào Phan Long cho biết: Sau khi nắm được thông tin có nhà đấu giá ở Paris - Pháp đưa lên sàn đấu giá hiện vật là chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng triều Nguyễn - Việt Nam, ông Nam Hồng đã bàn với vợ nộp 100.000 Euro để được đăng ký tham dự phiên đấu giá này. Ngày 12/11/2022 vợ chồng ông Nam Hồng bay từ Việt Nam sang Pháp dự đấu giá mới biết, ngoài ông bà ra, còn có 5 người ở các nước được quyền tham gia đấu giá chiếc ấn vàng quý giá này.

Ông Nam Hồng (bên phải) và ông Alexandre Millon - đại diện sàn đấu giá Millon tại lế ký kết. Ảnh: NVCC.
Ông Nam Hồng (bên phải) và ông Alexandre Millon - đại diện sàn đấu giá Millon tại lế ký kết. Ảnh: NVCC.

Giá khởi điểm chiếc ấn vàng có kích thức cao 10,4 cm; cạnh đế một chiều 13, 8 cm, một chiều 13,7 cm và nặng 10,78 kg là 2 đến 3 triệu Euro. Trước tình hình này, ông Nam Hồng suy tính, nếu đấu giá thì không thể mua được ấn vàng Hoàng Đế chi bảo để mang về Việt Nam vì mức giá chốt phiên sẽ rất cao. Vì thế, ông đã điện về cho Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh để báo cáo gấp với Bộ VHTTDL xin được trình bày nguyện vọng.

Ngay sau đó, Chính phủ đã đồng ý cử một đoàn liên ngành 7 người, gồm Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Cục trưởng Cục Di sản, 2 chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 3 chuyên gia các Bộ liên quan bay sang Paris gặp ông Nam Hồng và Đại sứ Việt Nam tại Pháp để thống nhất giao ông Nam Hồng đứng ra thương thảo với các đối tác.

Cuối cùng, sau các cuộc đàm phán giữa đoàn liên ngành Việt Nam với phía sàn Millon, các bên đã đạt được nội dung quan trọng là không đấu giá ấn vàng Hoàng Đế chi bảo mà dành cho ông Nam Hồng đại diện Việt Nam đứng ra mua theo giá thỏa thuận.

Theo lời của nhà nghiên cứu Đào Phan Long, ông Nam Hồng chia sẻ rằng, nếu không có nhiều đam mê, nỗ lực, công sức, quyết tâm và chấp nhận bỏ ra một khoản tài chính khá lớn của gia đình cộng với sự quan tâm trợ giúp pháp lý của Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, lãnh đạo Bộ VHTT&DL thì bảo vật này rất khó có thể hồi hương. Vì thế, ông Nam Hồng rất cảm ơn các cơ quan quản lý Nhà nước đã giúp ông thực hiện được việc chuyển nhượng này với giá mua hợp lý để mang về cho bảo tàng tư nhân của ông đóng trên quê hương Từ Sơn, Bắc Ninh.

Sáng 13/2, trao đổi với báo chí Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, hiện phía Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để đưa ấn vàng triều Nguyễn "Hoàng đế chi bảo" hồi hương trong thời gian sớm nhất.

Theo các nhà nghiên cứu, ấn Hoàng đế chi bảo là cổ vật có giá trị rất cao, thu hút sự quan tâm của giới buôn đồ cổ thế giới. Đó là chiếc kim ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, được đúc bằng vàng vào năm thứ 4 đời vua Minh Mạng (1823), nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại.