Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Việt đang ngày càng hạnh phúc hơn?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị sơ kết 5 năm Ngày quốc tế Hạnh phúc và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, sáng 28/6, nhiều đại biểu đã đưa ra những số liệu chứng tỏ trong vài năm gần đây, chỉ số hạnh phúc của nhiều địa phương tăng gấp vài trăm.

Nhưng phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại cho rằng, hạnh phúc không thể có chỗ cho những vi phạm pháp luật, hay lỗ hổng về giáo dục đạo đức cho trẻ em trong nhà trường.
Xếp hạng thứ 5 hay thứ 95 thì đều hạnh phúc

Đầu năm 2018, tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation có sở chính tại Vương quốc Anh đã công bố một số liệu điều tra xã hội học để chứng minh Việt Nam là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng theo đánh giá của Liên Hợp quốc thì Việt Nam đứng thứ 95/156 quốc gia về chỉ số hạnh phúc. Cho dù ở mức độ xếp hạng thứ 5 hay thứ 95 cũng đều là con số đánh giá lạc quan với Việt Nam.
Bộ VHTT&DL trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bởi theo bảng xếp hạng mới nhất này, người Việt Nam hạnh phúc hơn người Indonesia, Lào và Campuchia; thậm chí hơn cả một số nước Tây Âu. Cho dù Việt Nam không phải là quốc gia có tiềm lực kinh tế lớn mạnh trên thế giới. Hơn nữa, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cách đây mấy năm có quan chức người Pháp đã bày tỏ ở Việt Nam hạnh phúc hơn ở Pháp. Bởi ở thời điểm đó người Pháp không tin tương lai sẽ tốt đẹp hơn, còn ở Việt Nam đang phát triển nên luôn có tương lai.

Đặc biệt ở nhiều địa phương, trong vòng 5 năm sau khi thực hiện Đề án Ngày Quốc tế hạnh phúc, đã có những chỉ số đáng kinh ngạc về hạnh phúc. Theo một đại biểu của Sở VHTT&DL Tiền Giang, nếu như năm 2006, Tiền Giang có 536 vụ bạo lực gia đình, thì đến năm 2017 con số này giảm còn có 46 vụ. Các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ chia sẻ nuôi con khỏe dạy con ngoan… được các địa phương chú trọng thành lập, thành sân chơi cộng đồng, giúp người Việt ngày càng hạnh phúc hơn.

“Người Việt Nam thường hay tự nhận mình là cộng đồng lạc quan, nhất là khi tính thêm các vấn đề tinh thần như nhân văn, nghĩa tình..., nên thường tự nhận mình là hạnh phúc. Nhưng nếu xét quan niệm hạnh phúc là sự hài lòng, thỏa mãn hệ thống nhu cầu của cộng đồng ngày một cao hơn, tôi cho rằng chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam chỉ ở mức trung bình”. - Giám đốc Trung tâm Điều tra xã hội học Trịnh Hòa Bình

Hiện nay, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm thực trạng và chỉ số đánh giá”. Cho dù những xếp hạng cụ thể chưa được Viện công bố vì Chủ nhiệm đề tài đang hoàn thiện báo cáo chính thức trước khi chuyển lên Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước, nhưng theo PGS.TS Lê Ngọc Văn, các chỉ số về hạnh phúc của người Việt cũng khá tươi sáng.

Tránh huyễn hoặc về hạnh phúc

Chỉ số hạnh phúc của mỗi quốc gia được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như GDP đầu người, tuổi thọ, tự do, sự ủng hộ xã hội, nhận thức về tham nhũng…

Nhiều chuyên gia cho rằng, quan niệm hạnh phúc của nhiều tổ chức cũng như của mỗi người rất khác nhau, nên khó để đo lường, định lượng đến nơi đến chốn mức độ hạnh phúc của người Việt Nam. Đó là chưa kể dù có dựa trên các tiêu chí cụ thể thì phương pháp tiến hành lấy số liệu có đảm bảo khách quan hay không cũng là câu chuyện cần bàn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để có cuộc sống hạnh phúc cần tập trung 3 nhiệm vụ. Trước hết mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cần có hiểu biết về luật pháp để không vi phạm pháp luật. Mặt khác, con người muốn có hạnh phúc lâu dài phải cần phải có niềm tin vào tương lai, vào những điều tốt đẹp. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, tương lai sẽ có rất nhiều điều cần phải làm, trong đó có việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, cháu, thế hệ trẻ ở cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Việc giáo dục phải chú trọng hơn nữa việc dạy làm người cho con cháu từ khi còn thơ bé từ những việc nhỏ, đơn giản nhất để thế hệ con cháu trong tương lai là những con người nhân văn, có trí tuệ được khai mở, sáng tạo, có lòng yêu nước thương nòi, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu.