Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn lực vàng từ kiều hối

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Năm 2023, kinh tế toàn cầu đều khó khăn nhưng dòng tiền của người Việt từ nước ngoài gửi về Việt Nam ở mức rất cao 16 tỷ USD. Đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Top 10 nhận kiều hối lớn nhất

Theo Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước tính, lượng kiều hối chảy về cả nước năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Địa phương đón nhận lượng kiều hối nhiều nhất tiếp tục là TP Hồ Chí Minh với gần 9,5 tỷ USD, tức chiếm gần 60% của cả nước.

Kiều hối chảy về cả nước năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Ảnh minh hoạ
Kiều hối chảy về cả nước năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Ảnh minh hoạ

Báo cáo của Bộ LĐTB&XH, bình quân mỗi năm, khoảng 120.000 - 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc; lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Bên cạnh đó, trong năm 2023, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng về thành phần. Hiện, cộng đồng có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Nhờ đó, trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao và tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng, nguồn kiều hối về Việt Nam vẫn tăng so với 2022.

Mùa cao điểm chuyển tiền kiều hối Tết thường kéo dài trong khoảng một tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Theo số liệu ghi nhận, lượng kiều hối chuyển về trong nước mùa cao điểm Tết này tăng đáng kể cả về số lượt gửi và số tiền gửi trên mỗi món.

Xu hướng dịch chuyển nơi sinh sống và làm việc tại nước ngoài của người Việt Nam ngày càng lớn. Cùng với đó là lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có xu hướng tăng đều hằng năm. Lượng kiều hối chuyển về nước ta trong những năm qua ngày càng tăng mạnh, không chỉ giúp bổ sung dự trữ ngoại hối mà còn góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất-kinh doanh, tạo động lực tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam nhận lên tới 17 - 18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Việt Nam vẫn duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khai thác hiệu quả nguồn lực “vàng”

Dự báo, kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2024 sẽ ổn định trong xu hướng tăng khoảng 20% so với năm nay, do diễn biến của tình hình chính trị - xã hội trên thế giới còn nhiều phức tạp, người dân Việt Nam sống ở những khu vực này ít nhiều cũng bị ảnh hưởng về kinh tế. Tuy nhiên, họ vẫn hướng về quê hương, hỗ trợ giúp đỡ người thân và gia đình.

Để thu hút kiều hối, các chuyên gia cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính và chứng minh hiệu quả sử dụng nguồn kiều hối trong sự phát triển kinh tế sẽ là động lực thu hút nguồn vốn này nhiều hơn.

“Chính quyền cần có chính sách tạo thuận lợi cho Việt kiều đầu tư về trong nước, ví dụ như việc cho phép Việt kiều mua nhà tại Việt Nam. Ngoài ra, cần tạo thị trường đưa lao động chất lượng cao ra nước ngoài, từ đó gia tăng số lượng kiều hối hằng năm”-  TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ quan điểm.

Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.

Ở góc độ khác, khi dòng kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng nhiều hơn, các ngân hàng sẽ có cơ hội tăng thu hút tiền gửi từ chuyển đổi ngoại tệ sang VND, thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Chính vì vậy, các ngân hàng luôn tích cực tung ra nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút nguồn lực quý giá này.

Trong các năm qua, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh hoạt động kết nối, thanh toán quốc tế với các ngân hàng và đối tác nước ngoài thông qua một số hình thức kết nối đa phương và song phương với gần 1.000 ngân hàng đại lý trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới. Đặc biệt là tại các quốc gia có số lượng người Việt Nam sinh sống và lao động lớn như: Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Quy trình chuyển tiền từ nước ngoài ngày càng trở nên rút gọn, thuận tiện hơn cho người nhận nhờ việc các ngân hàng chuyển đổi số. Theo các chuyên gia, ngoài việc thuận tiện, giảm phí giao dịch, các ngân hàng sẽ chú trọng thúc đẩy người dùng chi tiêu khoản tiền này cho các dịch vụ khác có trên nền tảng, tạo ra nguồn thu mới.

Agribank cho hay, tất cả khách hàng dịp cuối năm đến hết 15/2/2024 sẽ nhận ngay phần quà trị giá 100.000 đồng sau khi hoàn tất giao dịch nhận hoặc chuyển tiền Western Union tại quầy giao dịch của Agribank trên phạm vi toàn quốc. Hiện tại, Western Union là nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế lớn nhất thế giới với hơn 135 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chuyển tiền ở khoảng 510.000 địa điểm tại hơn 200 quốc gia. Các ngân hàng tham gia vào hoạt động dịch vụ chuyển tiền kiều hối như: Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, EximBank... cũng có nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng chuyển tiền quốc tế dịp cuối năm.

Tại công ty Kiều hối Sacombank-SBR, doanh số chuyển ngoại hối trong năm 2023 tăng hơn 95% so với 2022, mức tăng cao nhất 5 năm trở lại đây. Vietcombank cho hay, nhờ nắm bắt chắc chuyên môn và khả năng thích ứng với các thay đổi của thị trường cũng như luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ chi trả đứng đầu, công ty kiều hối Vietcombank trở thành công ty kiều hối có doanh số chi trả lớn nhất Việt Nam. Công ty cũng lần thứ 2 liên tiếp được tạp chí Banking and Finance của Singapore vinh danh công ty kiều hối tốt nhất năm 2023.