Nguy cơ dịch đậu mùa khỉ diễn tiến xấu

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo số ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng, sau khi thế giới đã ghi nhận những ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Phi.

Tại một điểm tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở New York, Mỹ. Ảnh: AP
Tại một điểm tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở New York, Mỹ. Ảnh: AP

Ngày 30/7, giới chức Tây Ban Nha xác nhận nước này đã ghi nhận ca tử vong thứ 2 vì đậu mùa khỉ sau nhiều ngày dịch bùng phát. Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, cả hai nạn nhân đều là nam thanh niên. Trước đó một ngày, nước này ghi nhận bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên tử vong, cùng ngày với Brazil. Đây là những ca tử vong đầu tiên ở châu Âu kể từ khi nó lan rộng ra ngoài châu Phi.

Kể từ tháng 5 năm nay, dịch đậu mùa khỉ bùng phát trên toàn cầu đã gây ra hơn 22.000 ca mắc ở gần 80 quốc gia. Riêng châu Phi - nơi đã ghi nhận căn bệnh này trong nhiều thập kỷ qua - có 75 ca tử vong, tập trung chủ yếu ở Nigeria và Congo. Ở châu Mỹ và châu Âu, phần lớn ca bệnh đậu mùa khỉ xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, giới chức y tế thế giới nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus.

Tại Mỹ - quốc gia đang đứng đầu về số ca mắc mới với 5.189 trường hợp, đã có 2 khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp vì đậu mùa khỉ là TP San Francisco và bang New York - “tâm chấn” mới của dịch đậu mùa khỉ tại quốc gia này, chiếm hơn 1/4 ca mắc toàn quốc. Văn phòng Thống đốc New York cho biết, tình trạng khẩn cấp được ban hành sẽ cho phép nhân viên dịch vụ y tế khẩn cấp, bác sĩ và y tá có chứng chỉ được thực hiện tiêm chủng. Giới chức New York cũng đang tìm nhiều cách để đảm bảo vaccine, mở rộng xét nghiệm, phân phối thông tin qua website, hệ thống văn bản…

Những ca tử vong bên ngoài châu Phi xuất hiện một tuần sau khi WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Bà Catherine Smallwood, một quan chức cấp cao tại Văn phòng châu Âu của WHO, nhận định khi bệnh đậu mùa khỉ ngày càng lây lan ở châu Âu, thì số ca tử vong vì bệnh này sẽ gia tăng.

“Hầu hết các ca bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đều tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng” - bác sĩ Catherine Smallwood nói - “Những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân đậu mùa khỉ cần nhập viện là khi họ cần giảm các cơn đau, tình trạng nhiễm trùng thứ phát và đôi khi là cần kiểm soát các biến chứng đe dọa tính mạng như viêm não”.

Tuy đậu mùa khỉ không dễ lây lan như Covid-19, giới chuyên gia cảnh báo rằng nếu bệnh lan rộng trong người dân thì nhu cầu vaccine có thể tăng mạnh, đặc biệt là nếu virus bám rễ ở các khu vực mới. Hiện tại chỉ có một công ty sản xuất ra loại vaccine ngừa đậu mùa khỉ tiên tiến nhất, là Bavarian Nordic của Đan Mạch. Công suất của công ty này trong năm nay là khoảng 30 triệu liều, trong đó khoảng 16 triệu liều đã có sẵn.

Một báo cáo hôm 30/7 của hãng thông tấn AP lưu ý, các nước giàu đến nay đã đặt mua hàng triệu liều vaccine để ngăn chặn đậu mùa khỉ trong biên giới, nhưng chưa nước nào công bố kế hoạch chia sẻ vaccine với châu Phi - nơi đang lưu hành phiên bản đậu mùa khỉ nguy hiểm hơn ở phương Tây. “Nếu chúng tôi không an toàn, thế giới cũng không an toàn” - quyền giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi Ahmed Ogwell nói hôm 28/7, khi ông cho rằng lục địa này một lần nữa đang bị bỏ lại phía sau và họ nên được ưu tiên tiếp cận vaccine.

Trong khi vẫn nhất trí về việc không cần tổ chức tiêm ngừa đậu mùa khỉ đại trà lúc này, hầu hết các nhà khoa học tin rằng các liều vaccine sẵn có nên được dành cho các nhóm cụ thể, bên cạnh các biện pháp phòng tránh khác, hoàn toàn có thể chặn đứng tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu lần này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần