Nguy hiểm khôn lường nếu tên lửa Trung Quốc ở Hoàng Sa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu những thông tin đã được các hãng thông tấn, truyền thông và truyền hình trên thế...

Kinhtedothi - Nếu những thông tin đã được các hãng thông tấn, truyền thông và truyền hình trên thế giới phát đi về việc Trung Quốc triển khai những hệ thống tên lửa trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 là sự thật thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông cũng như đối với cục diện quan hệ giữa các quốc gia bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép lãnh thổ và tranh chấp chủ quyền.

Những tin tức này càng đáng phải chú ý vì trùng với thời điểm diễn ra cuộc cấp cao đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN ở Mỹ - cuộc thượng đỉnh song phương đầu tiên được tiến hành ở nước Mỹ và đánh dấu bước tiến quan trọng mới trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Mỹ. Một số thành viên ASEAN và Mỹ có những lợi ích cơ bản ở khu vực Biển Đông bị Trung Quốc thách thức và đe doạ.
Ảnh chụp một bãi biển trên đảo Phú Lâm trong hai ngày 14/2 và 3/2. Ảnh: ISI
Ảnh chụp một bãi biển trên đảo Phú Lâm trong hai ngày 14/2 và 3/2. Ảnh: ISI
Trước sự phản đối mạnh mẽ và những biện pháp đối phó quyết liệt của các thành viên ASEAN nói trên và của quốc tế, đặc biệt là của Mỹ, Trung Quốc đã phải quả quyết không quân sự hóa khu vực Biển Đông. Nếu những thông tin mới này là sự thật thì Trung Quốc đã nói một đằng làm một nẻo và đã hành xử ngược lại những cam kết của chính mình liên quan đến khu vực Biển Đông. Chúng đưa lại bằng chứng rõ ràng mới về ý đồ của Trung Quốc muốn độc chiếm toàn bộ khu vực Biển Đông bằng mọi giá và là mắt xích tiếp theo trong chuỗi những hành động của Trung Quốc nhằm thực hiện ý đồ nói trên.

Sau Hoàng Sa rồi sẽ đến Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nơi Trung Quốc cũng đã chiếm đóng một số đảo, tôn tạo kiên cố những đảo này và thậm chí còn đã xây dựng thêm đảo nhân tạo. Sau những biện pháp hành chính là việc quân sự hóa ở Hoàng Sa và cả Trường Sa - đều là những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, xâm hại trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đe doạ nghiêm trọng tự do đi lại hàng hải và hàng không, gây căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Hậu quả và hệ lụy là nguy hiểm khôn lường.