Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán xuất hiện nhiều “diễn biến lạ”

Nhà đầu tư nên hành động thế nào?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một cổ phiếu tăng liên tục lên mức giá đắt đỏ nhất lịch sử chứng khoán Việt, một cổ phiếu tai tiếng khác bị hủy niêm yết khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên… đó là những diễn biến đáng chú ý trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tháng đầu sau Tết Nguyên đán.

Với thông tin quan trọng là kết quả kinh doanh của các DN niêm yết quý IV/2022 và quý I/2023 không mấy khả quan, thị trường đang đối mặt với nhiều rủi ro.

FLC bị hủy niêm yết, xuất hiện cổ phiếu có mức giá đắt đỏ nhất lịch sử

Từ ngày 20/2/2023, 710 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) chính thức bị hủy niêm yết do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HOSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư giao dịch chứng khoán ở Hà Nội
Nhà đầu tư giao dịch chứng khoán ở Hà Nội

Phản hồi quyết định này, chiều 14/2, FLC kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại quyết định hủy niêm yết cổ phiếu. Văn bản của FLC cho biết, xác định việc chưa có báo cáo kiểm toán xuất phát từ các nguyên nhân bất khả kháng, FLC đã liên tiếp có văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước để giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ.

 

"Nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ trong 6 tháng đầu năm 2023, dù cơ hội có thể dần xuất hiện ở không ít nhóm ngành cũng như cổ phiếu riêng lẻ." - Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh

Một “diễn biến lạ” khác của TTCK nửa đầu tháng 2 là xuất hiện một mã chứng khoán với giá giao dịch trên 1 triệu đồng/cổ phiếu trong khi kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng, thậm chí DN lỗ nghìn tỷ. Cụ thể, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG ghi nhận đà tăng phi mã, một mạch 10 phiên trần để lên ngưỡng kỷ lục 1.181.500 đồng/cổ phiếu. Đà tăng liên tục này khiến nhà đầu tư khá ngạc nhiên, nhiều nhà đầu tư mới “giật mình” tìm kiếm thêm thông tin của nhóm cổ phiếu công nghệ, thậm chí mong chờ “đợt sóng” ngành bởi kỳ vọng “tân binh kỳ lân” sẽ mang đến hiệu ứng tích cực lên các cổ phiếu công nghệ khác do hoạt động định giá lại.

Giải trình về đà tăng liên tục này, Công ty CP VNG cho rằng, giá cổ phiếu tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến của giá cổ phiếu trong thời gian vừa qua. Thêm nữa, hiện tại, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.

Trái ngược với sự đi lên giá cổ phiếu, tình hình kinh doanh của “kỳ lân công nghệ" đầu tiên của Việt Nam đang không mấy khả quan. Năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG.

Tính đến nửa đầu tháng 2, TTCK Việt Nam đã có những phiên giao dịch đầy biến động. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản với những vấn đề khó tháo gỡ liên quan đến trái phiếu DN và tín dụng ngân hàng… nhiều phiên la liệt nằm sàn.

Kết thúc phiên 14/2, thị trường có phiên điều chỉnh thứ tư liên tiếp, thanh khoản sự suy giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,06 điểm (-0,48%) xuống 1.038,64 điểm; HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,18%) lên 204,86 điểm. Trong nhóm VN30 (-0,53%), sắc đỏ là áp đảo với 17 mã giảm, 11 mã tăng và 2 mã tham chiếu.

Thanh khoản ở cả hai sàn có sự suy giảm đáng kể với chỉ hơn 6.700 tỷ đồng giao dịch trên HOSE tương ứng với khối lượng đạt hơn 395 triệu cổ phiếu. Đây là mức giá trị giao dịch thấp nhất trên HOSE kể từ tháng 5/2020.

Thị trường đối diện với nhiều rủi ro

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường đang đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó đáng chú ý nhất là thông tin lợi nhuận của các DN niêm yết đi xuống. Những lo ngại này theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI là số liệu kết quả kinh doanh quý IV đi xuống. Tổng lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 toàn thị trường đã được các DN công bố giảm 31,4% so với cùng kỳ và giảm 54,8% nếu loại trừ lợi nhuận từ nhóm ngân hàng; đồng thời số liệu về vĩ mô tháng 1/2023 cho thấy nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Còn dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt lại cho thấy, diễn biến kết quả kinh doanh quý IV/2022 đang yếu hơn so với kỳ vọng chung. Theo thống kê dữ liệu 370 DN thuộc sàn HOSE, xu hướng chung ở hầu hết các ngành là tăng trưởng bắt đầu giảm tốc trong quý IV/2022.

Trong khi thị trường đang chờ đợi những luồng gió mới từ yếu tố cơ bản, khoảng trống thông tin vẫn còn khá dài phía trước, cho tới khi mùa đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh quý I/2023 lần lượt diễn ra.

Ngoài ra, áp lực thanh khoản hệ thống bắt nguồn từ lượng trái phiếu DN đến hạn, hay như các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn sẽ kéo dài do lãi suất có thể đạt đỉnh, nhưng khó hạ nhiệt ngay… là những khó khăn sẽ tiếp tục hiện hữu.

Dự báo về chỉ số VN-Index, công ty chứng khoán Yuanta Việt xây dựng 3 kịch bản. Kịch bản cơ sở (có xác suất cao) là chỉ số đạt 1.258 điểm trong năm 2023, tăng 24,9% so với phiên 30/12/2022 và tăng 12,6% so với phiên 27/1/2023. Kịch bản bi quan là chỉ số giảm điểm, dao động quanh ngưỡng 1.000 điểm. Kịch bản lạc quan, chỉ số đạt 1.405 điểm, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “quay xe” trong việc điều hành lãi suất cuối năm nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.

Còn báo cáo chiến lược đầu tư của công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, khả năng thị trường điều chỉnh đang cao hơn. Và chiến lược giải ngân thận trọng với việc hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ giúp nhà đầu tư bảo toàn danh mục tốt hơn. Trong kịch bản cơ sở, đội ngũ phân tích của Rồng Việt kỳ vọng VN-Index dao động trong khoảng 1.010 - 1.100 điểm.

Về khuyến nghị đầu tư, giới phân tích cho rằng, các cơ hội giải ngân giai đoạn hiện tại vẫn ưu tiên với trường phái trung - dài hạn và mục tiêu ở các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. “Với các nhà đầu tư ngắn hạn, thị trường đang đối diện rủi ro nên chúng tôi cho rằng cần hạn chế giải ngân, cơ hội ngắn hạn sẽ đến khi thị trường có tín hiệu đảo chiều” - báo cáo của Công ty Chứng khoán SHS khuyến nghị.

 

"Lịch sử TTCK cho thấy các giai đoạn biến động mạnh nhất của thị trường theo chiều hướng xấu khả năng tạo cơ hội tốt nhất. Nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì chiến lược tổng thể vào các nhịp điều chỉnh mạnh, do biến số rủi ro mang lại sẽ đẩy mạnh mua vào cho chiến lược đầu tư trung hạn. Với tầm nhìn ngắn hạn, nhà đầu tư có thể linh hoạt với chiến lược giao dịch năng động “mua thấp bán cao". - Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI