Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà hàng, quán ăn lao đao vì bão giá xăng, gas

Nga Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau giãn cách, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội đã được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, để bảo đảm phòng dịch, các nhà hàng này cũng phải thực hiện một số quy định nghiêm ngặt như khoảng cách giữa khách hàng, giờ giấc đóng cửa, sát khuẩn… Trong khi đó, tình hình kinh doanh chưa hoàn toàn hồi phục. Theo chia sẻ của một số chủ nhà hàng, hiện tại lượng hàng bán ra chỉ đạt từ 50 – 70% so với thời điểm trước dịch.

Một quán ăn trên tuyến phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Ngọc Tú
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết nên nhiều loại thực phẩm, rau củ quả tăng giá mạnh. Cụ thể, mặt hàng tăng giá mạnh nhất thời gian qua chính là các loại rau xanh, rau gia vị, như hành lá, mùi tàu, rau mùi, thì là… tăng đến 100 – 150.000 đồng/kg; bắp cải 25.000 đồng/kg; cải ngọt, cải mơ 30.000 đồng/kg; cà chua 30.000 đồng/kg; chanh 40.000 đồng/kg…
Đặc biệt, chi phí của nhà hàng càng đội lên cao khi các loại nhiên liệu như gas, dầu, xăng tăng giá mạnh. Cụ thể, giá xăng dầu tăng lên mức cao nhất trong 2 năm qua, chạm mốc gần 25.000 đồng/kg; giá gas tăng lên mức 500.000 đồng/bình 12kg. Điều này đã tác động lớn đến chi phí vận chuyển hàng hóa đồng thời gián tiếp khiến nhiều mặt hàng và dịch vụ cũng đội giá theo. Theo đại diện các nhà hàng, ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng, kéo theo các loại thực phẩm tươi sống, gạo, dầu ăn… đã tăng giá theo khoảng 10%.

Anh Phạm Văn Tặng, chủ cửa hàng phở trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) cho biết, trung bình mỗi tháng cửa hàng của anh sử dụng hết khoảng 15 bình gas. Với mức giá gas mới tăng, nhẩm tính chỉ tính riêng tiền gas, trung bình mỗi tháng đã đội thêm hơn 2 triệu. Đó là chưa kể các loại chi phí dầu ăn, mì chính, mắm muối cũng tăng theo giá xăng. “Giá nguyên liệu chế biến và giá gas tăng mạnh, nhưng hiện tại tôi chưa dám tăng giá hàng bán ra, bởi sau dịch lượng khách tới cửa hàng chưa đông. Tôi vẫn phải bán giá cũ để giữ chân khách” – anh Tặng cho hay.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Oanh – chủ nhà hàng Gà 36 trên đường Tố Hữu cũng đang tìm mọi cách xoay sở để giảm bớt chi phí hoạt động. Trước đó, để duy trì kinh doanh trong mùa dịch, nhà hàng có chính sách giao hàng miễn phí trong bán kính 5km, nên việc giá xăng tăng cao đã khiến cửa hàng gặp khó khăn. “Với tình hình này, trước để giữ khách, nhà hàng không thể thay đổi giá bán và khẩu phần ăn, nhưng sẽ tính toán chỉ miễn 50% phí ship cho khách hàng, để bù lại một phần vào giá xăng” – chị Oanh chia sẻ.