Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng các mô hình hòa giải hay

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc triển khai, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, công tác hòa giải ở cơ sở đã được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng và là động lực cho các hòa giải viên tích cực thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải kịp thời ngay ở cơ sở.

 Nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải kịp thời ở cơ sở. Ảnh: Lê Tâm
Phát huy “Tổ hòa giải 5 tốt”

Sau khi tổ chức sơ kết 3 năm Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban MTTQ TP ban hành Công văn số 1806/TP-MTTQ ngày 22/8/2017 hướng dẫn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với 5 tiêu chí: Phát hiện vụ việc kịp thời tốt; Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở tốt; Tổ chức hòa giải tốt; Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên; Giao ban định kỳ để trao đổi kinh nghiệm hòa giải.
Năm 2018, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP đạt 86,3% (năm 2017 đạt 83,2%). Toàn TP phát sinh 6.642 vụ việc tiếp nhận hòa giải (giảm 1.576 vụ việc); số tổ hòa giải là 5.444 tổ (tăng 49 tổ) với 35.053 hòa giải viên (tăng 855 người).

Qua hơn một năm triển khai, năm 2018 việc công nhận “Tổ hoà giải 5 tốt” triển khai trên địa bàn TP đã đạt kết quả tích cực, đã có 2.591/5.444 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”. Công tác hòa giải đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng. Kinh phí hòa giải ở cơ sở cấp xã được quan tâm hơn (với khoảng 5,5 tỷ đồng), trong khi từ năm 2014 - 2016 tổng kinh phí hỗ trợ hòa giải cấp xã là 10 tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ đồng/năm). Nhiều quận, huyện tích cực duy trì mô hình hoạt động “Tổ hòa giải 5 tốt” như: Cầu Giấy: 270/270, Thanh Xuân 175/175 tổ, Hoàn Kiếm: 163/163 tổ, Nam Từ Liêm: 123/123 tổ, Ba Đình: 155/165 tổ, Tây Hồ: 90/92 tổ, Long Biên: 264/293 tổ, Sơn Tây: 127/145 tổ, Chương Mỹ 170/234 tổ...

Theo Trưởng phòng Tư pháp quận Tây Hồ Lê Trung Đức, “Tổ hòa giải 5 tốt” là một trong những tiêu chí để đánh giá "Phường văn hóa" và "Tổ dân phố văn hóa" tại quận. Những người tham gia hòa giải có hiểu biết về pháp luật, có uy tín ở cộng đồng dân cư nên hầu hết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trên địa bàn được phát hiện kịp thời và tập trung giải quyết ngay tại cơ sở.

Đa dạng hóa nhiều mô hình hay

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương – Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật TP cho biết, bên cạnh mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” thì trên địa bàn TP, các cấp, các ngành cũng tích cực phối hợp nhiều mô hình hay để tuyên truyền pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, các biện pháp hòa giải bạo lực gia đình. Cụ thể, Ủy ban MTTQ TP với mô hình “Nhóm nòng cốt”, Hội Nông dân TP với mô hình “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, Hội LHPN TP với mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”...

Các quận, huyện, thị xã đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở. Cụ thể: Quận Hoàn Kiếm phát hành đĩa tuyên truyền, tổ chức 569 buổi giao ban các tổ hòa giải để trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác này. Tại huyện Phúc Thọ, các tổ hòa giải sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng nhằm phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp dựa trên dư luận xã hội hoặc các đơn thư khiếu nại và thông qua việc phát hiện tin báo trong cộng đồng dân cư. Quận Hai Bà Trưng trang bị 216 tủ sách pháp luật cho 216 tổ hòa giải. Một số đơn vị đã xây dựng các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình như: Câu lạc bộ “Gia đình văn minh hạnh phúc” ở huyện Thanh Trì; Câu lạc bộ “2 không, 1 có”, “Phụ nữ với pháp luật” ở huyện Hoài Đức...

Những kết quả đạt được trong công tác hòa giải đã hạn chế những phát sinh khiếu kiện, đơn thư vượt cấp, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Công tác hòa giải không chỉ góp phần trực tiếp giải quyết kịp thời những vi phạm, tranh chấp mà còn tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân, từng bước xây dựng ý thức công dân “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.