Nhân rộng chuỗi gạo chất lượng Khu Cháy

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù mới đi vào hoạt động được 2 năm, song chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng Khu Cháy (huyện Ứng Hòa) đã chứng tỏ hiệu quả của việc phát triển lúa, gạo hàng hóa theo hướng bền vững.

Vùng lúa hàng hóa thuộc chuỗi liên kết gạo chất lượng Khu Cháy (huyện Ứng Hòa). 
Vùng lúa hàng hóa thuộc chuỗi liên kết gạo chất lượng Khu Cháy (huyện Ứng Hòa). 

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, toàn huyện hiện có 8.350ha trồng lúa, trong đó, các giống lúa chất lượng cao như: Nếp cái hoa vàng, lúa thơm, lúa giống Nhật J02 hơn 5.660ha (chiếm 67,9% tổng diện tích). Nhằm nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm lúa, gạo, huyện đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy" và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận năm 2018.

Là đơn vị được huyện Ứng Hòa giao quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể "Gạo chất lượng Khu Cháy", Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đã đứng ra cung ứng dịch vụ cho người dân từ khâu làm đất, giống, gieo trồng... Khi thu hoạch, hợp tác xã đưa máy gặt xuống đồng gặt cho hộ dân và thu mua lại lúa gạo nếu hộ dân có nhu cầu bán. Đối với các hộ dân không có nhu cầu làm ruộng, hợp tác xã thuê lại đất để sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy cho biết, nắm bắt nhu cầu của người dân muốn bán lúa tươi ngay tại ruộng để đỡ khâu phơi, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống sấy thóc theo dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất 300 tấn/ngày. Ngoài ra, hợp tác xã còn đầu tư hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại để đưa sản phẩm "Gạo chất lượng Khu Cháy" vào các siêu thị, cửa hàng gạo chất lượng cao.

Với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm chi phí, từ vụ Mùa 2022, hợp tác xã đã đầu tư 3 máy bay không người lái với số tiền 1,8 tỷ đồng để phục vụ sản xuất lúa. "Mỗi máy bay 1 ngày có thể gieo sạ hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật được hàng chục héc ta lúa. Nếu như chi phí thuê nhân công cấy tốn 500.000 đồng/sào thì sử dụng máy bay chỉ hết 350.000 đồng/sào. Không những vậy còn giảm thiểu độc hại đối với con người mà việc phòng trừ sâu bệnh hại cũng đạt hiệu quả cao hơn" – bà Cao Thị Thủy chia sẻ.

Hiện Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa với nông dân 4 xã: Quảng Phú Cầu, Kim Đường, Hòa Lâm, Liên Bạt với tổng diện tích khoảng 400ha lúa. Thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp Hà Nội và huyện Ứng Hòa, chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng Khu Cháy sẽ tiếp tục được nhân rộng, phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần