KTĐT - Tân thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đang áp dụng một mô hình kinh tế mới để kéo một nước này khỏi sự khủng hoảng trầm trọng về cơ cấu và chính sách kinh tế.
Nền kinh tế Nhật Bản, trải qua một thời gian dài suy thoái kể từ đầu thập niên 1990 do mô hình kinh tế đã tồn tại trong thời kỳ “phát triển thần kỹ” không còn phù hợp với thời kỳ toàn cầu hóa, cũng như không tương thích với vị trí của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nền kinh tế Nhật Bản phát triền mạnh trong những năm 1960 – 1970 là do đã phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế tạo định hướng xuất khẩu. Nhưng trong những năm 1980 trở lại đây, nhiều nền kinh tế châu Á đã đi theo con đường của Nhật Bản, phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu, đã trở thành nhứng đối thủ cạnh tranh mạnh với Nhật Bản trên thị trường thế giới.
Trong bối cảnh bị cạnh tranh quyết liệt từ các con rồng, con hổ kinh tế châu Á, từ các nền kinh tế công nghiệp mới (NICs) như Hàn Quốc, Đại Loan, Hồng Kông, Singapore đến các gã khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ, kinh tế Nhật Bản đã tỏ ra chậm chạp, thậm chí là đuối sức trong cuộc đua. Một trong những nguyên nhân đưa Nhật Bản đến thời kỳ suy thoái kéo dài là do môt hình kinh tế định hướng xuất khẩu không còn phù hợp với vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo các nhà kinh tế, lẽ ra sau thời kỳ “phát triển thần kỳ”, Nhật bản phải chuyển đổi thành một nền kinh tế tiêu thụ như Mỹ thì mới giúp nền kinh tế này phát triển bền vững hơn.
Do vẫn duy trì định hướng xuất khẩu, nên mặc dù nằm cách xa trung tâm của cuộc khủng hoảng ở Mỹ và Anh, nền kinh tế Nhật Bản đã được ghi nhận là rơi nhanh nhất và sâu nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Từ nhận thức đó, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đang tìm cách thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế với việc phát triển thị trường nội địa làm trọng tâm. Ông đang đưa ra các biện pháp mới đánh dấu một sự thay đổi lớn trong các định hướng chính sách. Theo đó, chính phủ Nhật Bản đã tìm cách tăng nhu cầu trong nước và bảo vệ đời sống nhân theo triết lý “tương thân tương ái”.
Khoảng cách nông thôn và thành thị phải được thu hẹp. Tân Thủ tường Hatoyama cam kết rằng chính quyền của ông sẽ ưu tiên hỗ trợ dân chúng, trợ giúp những gì thiết yếu cho trẻ em, giáo dục, y tế và điều dưỡng trong môt xã hội Nhật Bản đang già đi. Thứ trưởng thương mại, kinh tế và công nghiệp Teruhiko Mashiko, mô tả chính sách này như chuyển “từ bê tông sang con người.” Nhiều dự án (“bê tông”) cơ sở hạ tầng đang được xem xét lại để “chuyển đổi cấu trúc chính sách tài chính.”
Như vậy là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới II, trọng tâm chú ý ở Nhật Bản sẽ là những hộ gia đình chứ không phải là các công ty. Cam kết sửa đổi lại chính sách hậu chiến tranh của Nhật Bản và thiết lập một xã hội dựa trên khái niêm“tương thân tương ái” của mình, ông Hatoyama nói rằng “thời kỳ thay đổi thật sự đang nằm phía trước.”
Nhiều người đã sẵn sàng chờ và mong sự thay đổi này đem lại những kết quả mong đợi.
Atsushi Saito, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn giao dịch cổ phiếu Tôkyô miêu tả chính sách như một vụ đầu tư “ưu tiên con người” và nói đây là lần đầu tiên sau hơn 50 năm đã có một thay đổi trong chính sách của Nhật Bản từ cơ sở hạ tầng đến các hộ dân, trẻ em và an sinh xã hội như thế.
Kinh tế gia J. Takeuchi, đã miêu tả chính sách này như một “cuộc thử nghiệm lớn”, đã nói rằng nếu thành công có nghĩa đã thực hiện phát triển kinh tế đúng đắn. Tuy nhiên, nếu thất bại thì Nhật Bản sẽ gánh thêm nợ tài chính.
Từ đáy của cuộc khủng hoảng, kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu đứng dậy. Nhưng Takeuchi cảnh báo rằng trong khi bầu không khí kinh doanh đã được cải thiện thì nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa đạt đến điểm mà riêng nhu cầu của thị trường nội địa đã có thể giúp tăng cường sức mạnh.
Nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào thương mại của Nhật Bản có thể thấy sự phục hồi của mình đã bị kìm hãm khi sự hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa bền vững.
Trong quá khứ Nhật Bản đã cho thế giới tận hưởng những sản phẩm công nghệ tiên tiến của họ, nếu chính sách mới ưu tiên công nghệ xanh và vì con người này thành công, Tôkyô có thể trao món quà mô hình phát triển kinh tế mới cho các nước láng giềng và thế giới.