Nhiễm khuẩn liên cầu lợn từ thói quen ăn tiết canh

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh liên cầu lợn diễn biến cực kỳ nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng, thậm chí, bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Dù các bác sĩ đã cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, thường xuyên ăn tiết canh lợn.

Thói quen ăn tiết canh thường xuyên

Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.V.T. (59 tuổi, ở thị trấn Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn, ù tai, cứng gáy, trên da có ban xuất huyết hoại tử màu tím đen, đỏ tía vùng tay chân, mạn sườn. Bệnh nhân có thói quen ăn tiết canh thường xuyên từ nhiều năm nay.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng. Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, BV Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đánh giá bệnh nhân trong tình trạng tiên lượng rất nặng, nếu vào viện chậm khoảng 1 ngày nữa thì không còn khả năng cứu chữa.

Bệnh nhân N.T.O. (Hải Dương) được điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh: Hà Linh
Bệnh nhân N.T.O. (Hải Dương) được điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh: Hà Linh

Tương tự, tại BV Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư) tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhiễm các bệnh ký sinh trùng điển hình là những bệnh ấu trùng sán dây lợn.

Điển hình là bệnh nhân N.T.O. (58 tuổi, tỉnh Hải Dương) được chẩn đoán bị ấu trùng sán lợn lên não. Sau một liệu trình điều trị, bệnh của bà N.T.O. đã ổn định, về nhà dùng thuốc. Tuy nhiên, ở lần tái khám này, bà đang có hiện tượng phù não và cần phải nhập viện điều trị. Theo lời kể của bệnh nhân, bà hay bị nóng nên mua tiết canh lợn về tự đánh ăn cho mát.

TS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc Thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở người là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thói quen ở một số vùng miền, ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín như tiết canh, nem chạo, nem thính, rau sống…

Tiết canh không phải thực phẩm giúp giải nhiệt như nhiều người nghĩ. Tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… thực chất đều là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán.

Phòng tránh bệnh liên cầu lợn

Nhiều người quan niệm, ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm sẽ nên không thể bị nhiễm sán. Thực tế, nhiều bệnh nhân bị nhiễm các loại ký sinh trùng có tổn thương ở não do ăn tiết canh. Các bệnh nhân này dù đi khám ở nhiều cơ sở y tế khác nhau nhưng không chẩn đoán ra bệnh. Thậm chí, có người nghĩ mình mắc bệnh động kinh, tai biến, tâm thần nên đã điều trị ở bệnh viện tâm thần nhiều năm.

Bệnh nhân T.V.T. (Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng trên da có ban xuất huyết hoại tử màu tím đen, đỏ tía vùng tay chân, mạn sườn.
Bệnh nhân T.V.T. (Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng trên da có ban xuất huyết hoại tử màu tím đen, đỏ tía vùng tay chân, mạn sườn.

Khi đến bệnh viện đã ở giai đoạn tương đối muộn, ký sinh trùng đã tấn công vào cơ thể và lên não khiến người bệnh phải chịu nhiều di chứng suốt đời (giảm thị lực, co giật như động kinh...). “Người dân nếu phát hiện có biểu hiện bất thường dưới da, u nhỏ trong cơ như hạt đậu tương hoặc hạt lạc, đau đầu, co giật, hay đã từng đi ngoài có đốt sán, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị bệnh kịp thời” - TS Trần Huy Thọ khuyến cáo.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cảnh báo, một bệnh nhân bị liên cầu lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không. Có những bệnh nhân vì quá nặng mà không thể qua khỏi. “Do đó, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.

Thống kê của Bộ Y tế mới đây cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt lợn sống. Người dân có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn như: Sốt cao đột ngột (40 - 41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Bệnh liên cầu lợn thường có biểu hiện ở 3 thể. Thể viêm màng não: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, ù tai, cứng cổ. Các biểu hiện thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh viêm màng não mủ. Nếu không điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng di chứng thần kinh.
Thể nhiễm trùng huyết: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, lưỡi bẩn, xuất huyết ban to màu đỏ hoặc màu xám đen. Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhiễm trùng huyết thường rất nguy hiểm vì diễn tiến nhanh, nhiễm độc toàn thân gây suy đa phủ tạng, nhiều trường hợp dẫn tới tử vong.
Thể kết hợp cả thể viêm màng não và nhiễm trùng huyết.