Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều bài học cho văn chương hiện đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp nối chuỗi sự kiện kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, sáng 13/10, Hội nhà văn Việt Nam đã mở cuộc bàn tròn nhìn nhận “Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại”.

Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học khẳng định, thể lục bát trong Truyện Kiều được coi là chuẩn mực. Như nhà thơ Vương Trọng bày tỏ: “Tôi học Nguyễn Du để rất ít khi viết lục bát lệch chuẩn”. Và cũng nhờ thể thơ này mà Truyện Kiều dễ dàng đi vào dân gian: Vịnh Kiều, xướng họa về Kiều cho các bậc trí thức; bói Kiều trong dân bình dị...

Sức sống Truyện Kiều còn tràn sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, ca nhạc, hội họa với không ít sự kiện đặc sắc như: Vườn Kiều ở Đồng Nai, Hội quán Cà phê Kiều ở Vinh… Nói như GS Phong Lê: “Ngôn ngữ trong Truyện Kiều là một thứ tiếng Việt rất hiện đại, một tiếng Việt lừng lững đi suốt thời gian và làm tổ trong lòng người đọc bao thế hệ”.

Ngót nghét 2 thế kỷ, Truyện Kiều vẫn để lại những bài học mới cho văn chương hiện đại, trước hết là tấm lòng đối với con người. Nhiều câu Kiều thoát ly, sống độc lập và tham gia đời sống của nhiều thế hệ cũng là một điểm đáng chú ý. Nghệ thuật của Nguyễn Du thể hiện trong phương thức tiếp cận và miêu tả rất hiện đại, không bị ràng buộc bởi mỹ học trung đại – vốn được xem là “bộ áo quá chật chội với Nguyễn Du” (từ của GS Phong Lê). Nhà thơ Nguyễn Trác cho biết, ông đã lĩnh hội được rất nhiều điều từ thơ Nguyễn Du: “Những câu lục bát của Nguyễn Du rất tuyệt vời, cách viết của Nguyễn Du cũng rất hiện đại. Nhân vật trong tác phẩm của ông không phải đơn tuyến mà đều đa diện. Đó là cái văn chương hiện đại cần phải học.

Bên cạnh đó, ông còn đưa đời sống tâm linh vào trong thi ca. Điều này cũng đang trở thành xu hướng không chỉ của văn chương hiện đại Việt Nam mà cả văn chương thế giới”. Cũng theo Nguyễn Trác, hiện nay có nhiều nhà thơ đang tìm đến phong cách hiện đại của thế giới. Tuy những xu hướng đó là cần thiết, nhưng tất cả đều phải xuất phát từ nền tảng dân tộc, từ truyền thống ca dao, đạo lý của dân tộc, nếu không chưa chắc đã được độc giả đón nhận.

Thực tế, đã có trên dưới 35 văn bản dịch Truyện Kiều của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua, song con số đó vẫn đang được tiếp nối. Đó là lời khẳng định cho sức lan tỏa của Truyện Kiều. Đây là lần đầu tiên giới lý luận, nghiên cứu, phê bình ngồi lại để nhìn về sức ảnh hưởng của thơ Nguyễn Du với văn chương hiện đại. Ai nấy đều khẳng định Nguyễn Du vẫn là cây đại thụ lớn cho văn chương hiện đại. Có lẽ vì thế mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất thành lập Viện Nguyễn Du. Ông khẳng định: “Với những điều đã biết và những điều chưa biết hết về Nguyễn Du, việc không có Viện Nguyễn Du là điều thiếu sót”.