Khó thanh toán khi xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A
Đây là những điểm đáng chú ý được các đơn vị, cơ sở y tế tại Hà Nội nêu ra tại với Đoàn làm việc của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội khi giám sát về việc Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022 tổng dự kiến kinh phí ngân sách Nhà nước đã thực hiện là hơn 954 tỷ đồng. Công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực bằng hiện vật được phân bổ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.
Tuy nhiên, khó khăn là bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A nên người mắc bệnh này được khám, điều trị miễn phí. Trong khi đó, thời gian cách ly kéo dài lên tới 14, 21 ngày gây ra áp lực rất lớn đối với ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động tiêm chủng không được xã hội hoá khiến ngân sách Nhà nước đều phải chi trả cho việc mua vaccin, vật tư tiêu hao... trong khi người dân có nguyện vọng chi trả mà không được.
Cũng do quy định này nên đã gây nhiều khó khăn trong huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch. Người mắc Covid-19 được khám, điều trị miễn phí, kinh phí do ngân sách Nhà nước chi trả. Trường hợp chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được, còn nếu chi trả theo mức chi phí thực tế tại cơ sở tư nhân sẽ dẫn đến tác động tiêu cực và không có cơ sở để thực hiện khi dùng ngân sách Nhà nước chi trả.
Ngoài ra, quy định này gây khó khăn trong việc thanh, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh của người bệnh Covid-19 bởi tại thời điểm điều trị, người bệnh Covid-19 có bệnh lý nền nên phải phân tách chi phí điều trị từng loại bệnh. Sở Y tế Hà Nội đề nghị chuyển Covid-19 từ nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B để việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh như các bệnh lý khác.
Còn theo đại diện UBND thị xã Sơn Tây, hạn chế trong việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch là lực lượng y tế trên địa bàn mỏng, thực hiện đồng thời nhiệm vụ khám chữa bệnh và phòng, chống dịch nên thiếu. UBND thị xã đã huy động lực lượng y, bác sỹ nghỉ hưu tham gia công tác phòng chống dịch nhưng sức khỏe của đội ngũ này có phần hạn chế nên tham gia vào công tác phòng, chống dịch cũng có phần ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện.
Trong khi đó, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm chỉ ra tồn tại là hiện chưa có chính sách quy định mức hỗ trợ cho các y, bác sỹ tham gia hỗ trợ trực tuyến cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.
Ngoài ra, về việc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống dịch cũng gặp khó khăn. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 29/2018/ND-CP của Chính phủ: Hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước phải có “hợp đồng tặng cho tài sản trong trường hợp chuyên giao dưới hình thức tặng cho và theo quy định của pháp luật phải lập thành hợp đồng". Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không nêu cụ thể trường hợp nào phải lập thành hợp đồng tặng, cho tài sản.
Trong thời gian phòng chống dịch vừa qua, Sở Y tế Hà Nội nhận được rất nhiều tài sản tài trợ, tặng, cho thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam. Tài sản sau khi tiếp nhận được phân bổ cho các đơn vị trực thuộc để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
"Hầu hết các nhà tài trợ chỉ có biên bản xác nhận tài trợ với Ủy ban MTTQ Việt Nam hoặc Sở Y tế mà không ký hợp đồng tài trợ trực tiếp với đơn vị được phân bố hàng tài trợ dẫn đến khó khăn trong việc xác lập sở hữu toàn dân về tài sản được tài trợ, tặng, cho", ông Vũ Cao Cương nói.
Khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu
Bên cạnh những tồn tại đặc thù trong thanh toán việc đặt hàng xét nghiệm SARS-Cov-2, Phó giám đốc sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cũng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc khác về cơ chế chính sách như: Việc vay mượn khi chưa kịp đấu thầu để kịp thời chống dịch; Vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống dịch; Khó khăn khi xác định giá gói thầu.
Cụ thể, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, phải cần ngay hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị để phục vụ công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tránh những rủi ro đem lại, một số đơn vị đã vay, mượn của các đơn vị khác. Tuy nhiên, đối với nội dung này chưa có quy định cụ thể nên gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh toán, hoàn trả cho các nhà cung cấp.
Đặc biệt là một số khó khăn trong công tác mua sắm đã bộc lộ trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, đó là khó khăn khi xác định giá gói thầu; khó khăn khi đấu thầu hoá chất theo máy; khó khăn khi lựa chọn nhà thầu.
Với việc xác định giá gói thầu, hiện thông tin về giá các trang thiết bị, vật tư y tế trên cổng thông tin của Bộ Y tế còn chưa đầy đủ (chỉ công bố giá mà không công bố cấu hình cụ thể) hoặc không có; Nhiều loại máy móc, trang thiết bị có nhiều mức giá khác nhau, dải giá trúng thầu công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế và mạng đấu thầu quốc gia rất rộng, gây khó khăn cho các đơn vị khi khảo sát để xác định giá gói thầu.
Các cơ quan Thanh tra, Cơ quan cảnh sát điều tra thường so sánh giá mua sắm với giá hải quan. Tuy nhiên, các đơn vị không thể tiếp cận được với các thông tin về giá hải quan. Từ đó có thể xảy ra trường hợp các cơ sở y tế triển khai công tác mua sắm công bằng, minh bạch, không vụ lợi, không tham nhũng nhưng vẫn có thể có tình trạng giá mua sẽ cao hơn rất nhiều so với giá kê khai hải quan...
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, bất cập, tồn tại nêu trên, Sở Y tế Hà Nội kiến nghị: Bộ Y tế cần phải xây dựng và quy định đầy đủ danh mục chung, có kiểm soát chặt chẽ biến động giá kê khai, giá trúng thầu của các đơn vị. Quy định khi kê khai hoặc công khai giá trúng thầu phải đầy đủ thông tin (cấu hình cụ thể, giá trúng thầu) và có kiểm soát về thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế đối với hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị.
Quy định cụ thể việc xác định giá gói thầu đối với hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị có dải giá trúng thầu rộng (cần quy định cụ thể tham khảo giá thấp nhất, trung bình hay cao nhất khi có nhiều giá trúng thầu công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, mạng đấu thầu quốc gia).
Trong một số tình huống dịch bệnh khẩn cấp cần mua sắm một số lượng lớn trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc trong khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy, cần xây dựng nguồn dự trữ quốc gia để cấp phát cho các địa phương một cách kịp thời. Sau khi hết dịch, trang thiết bị có thể được thu hồi hoặc điều tiết trong hệ thống y tế toàn quốc, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Tiếp thu những đề xuất, kiến nghị này, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, dịch Covid-19 là dịch mới nên việc thực hiện các chính sách còn vướng mắc, bất cập. Đoàn ĐB Quốc hội TP sẽ tổng hợp các ý kiến gửi đến Quốc hội, Chính phủ để xem xét, hoàn thiện chính sách nhằm tạo sự chủ động khi có dịch bệnh khác.