Hội nghị diễn ra trực tiếp tại Bộ VHTT&DL, trực tuyến tại 63 điểu cầu, với hơn 1.000 đại biểu tham dự. Đây là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình từ T.Ư đến địa phương ôn lại quá trình hình thành, phát triển, cống hiến của ngành Văn hóa; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Mô hình văn hoá tiêu biểu
Theo Bộ VHTT&DL, hiện cả nước có 140 mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai ở các cấp, trong đó tập trung xây dựng các mô hình: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Đẩy mạnh và phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ và TDTT; Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Vận động tuyên truyền thay đổi, xóa bỏ những tập tục không phù hợp, tập tục lạc hậu; Phát động và duy trì phong trào khuyến học, khuyến tài...
Tại Hội nghị, 10 tỉnh, TP đã giới thiệu các mô hình văn hoá tiêu biểu, trao đổi nghiệp vụ quản lý Nhà nước về văn hóa. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Đầu tư, xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hoá cơ sử; xây dựng mô hình “Làng văn hoá tiêu biểu”; vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; mô hình bảo tồn, truyền dạy di sản; nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động thông qua các hoạt động thể dục, thể thao…
Nổi bật, nhiều địa phương đã đầu tư các thiết chế văn hoá, phù hợp với đặc thù địa phương. Cụ thể, tại Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô cho biết: Với mục tiêu tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, có đột phát trong việc xây dựng các làng, thôn, bản khu dân cư phát triển đồng bộ, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Tính đến thời điểm hiện tại, 28/28 Khu thiết chế văn hoá – thể thao thuộc các làng văn hoá kiểu mẫu đã khởi công, xây dựng thuộc 9 huyện, TP trên địa bàn tỉnh. Dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2023.
Tại Bắc Ninh, dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2009, một trong các nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh là việc xây dựng các thiết chế văn hoá, cơ sở vật chất đặc thù. Tính đến hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 11 Nhà chứa Quan họ (nhà thực hành Quan họ), hệ thống các Nhà chứa Quan họ đã đi vào vận hành và thu được kết quả tốt, phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình Dân ca Quan họ của địa phương và là điểm đến, tham quan của khách du lịch.
Xây dựng sản phẩm du lịch di sản
Cùng với các mô hình đầu tư thiết chế văn hoá, xây dựng môi trường văn hoá cơ sở, thời gian qua, các địa phương đã triển khai, xây dựng nhiều mô hình bảo tồn, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể. Trong đó, nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, phục vụ nhu cầu của Nhân dân.
Tại Gia Lai, Giám đốc Sở VHTT&DL Gia Lai Trần Ngọc Nhung cho biết: Sinh hoạt truyền thống liên quan đến cồng chiêng ở cơ sở ngày càng thưa vắng, biến đổi. Các cộng đồng người Bahnar, Jrai dù vẫn sở hữu nhiều cồng chiêng nhưng cơ hội cũng như sự tự nguyện sử dụng loại nhạc cụ này trong các sinh hoạt liên quan không còn được như trước. Vì vậy, tỉnh Gia Lai đã ban hành đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 – 2025. Mô hình “Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức & Trải nghiệm” (CCCT) ra đời trong bối cảnh ấy.
CCCT được Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức lần đầu tiên vào dịp 30/4 – 1/5/2022, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Đây là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân của hai dân tộc Bahnar và Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với sự tham gia của khoảng 40 nghệ nhân vào mỗi đêm diễn, diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần. Mỗi đêm diễn ra, CCCT thu hút hàng nghìn lượt du khách và người dân tham dự, nhiều người đã nắm tay nhau nối rộng vòng suang (múa) cùng các nghệ nhân Bahnar, Jrai. Không chỉ có du khách trong và ngoài nước, rất nhiều học sinh các cấp cũng đã xem chương trình là một điểm đến thú vị, sự bổ sung cần thiết cho chương trình giáo dục địa phương mà các em phải học ở trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại như: Sự quan tâm về Ngành Văn hóa ở một số nơi, số chỗ chưa đồng đều; Nguồn lực cho Ngành Văn hóa dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn…
Bộ trưởng đề nghị các Sở địa phương tiếp tục đồng hành cùng Bộ VHTT&DL để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chính sách về Ngành Văn hóa. Trong đó, tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật về lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Luật về Di sản Văn hóa; Luật Quảng cáo…Trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển Văn hóa: "Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Ngành Văn hóa trong năm 2023. Chương trình sẽ tạo điều kiện, cơ sở cho Ngành Văn hóa phát triển đúng hướng, mạnh mẽ trong những năm tiếp theo" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tập trung xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia về sự phát triển bền vững. Có được bộ tiêu chí này chúng ta sẽ lượng hóa được giá trị đóng góp của Văn hóa trong nền kinh tế.