Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ngành tăng trưởng khá, ước thu ngân sách cả năm vượt dự toán

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên cơ sở tình hình thực hiện thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng (bằng 94% dự toán), trong đó có nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá, Bộ Tài chính ước thu NSNN cả năm sẽ vượt dự toán.

Đây là thông tin tại buổi họp báo chuyên đề quý III/2022, do Bộ Tài chính tổ chức chiều 29/9. 

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) Dương Tiến Dũng cho biết, tổng thu NSNN 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp báo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp báo.

Riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, thu từ khu vực DN nhà nước đạt 83,3% dự toán, tăng 14,1%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,7% dự toán, tăng 5,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 87,2% dự toán, tăng 18,9%; thu từ dầu thô đạt 213% dự toán, tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, tăng 22,1%.

Tuy nhiên, vẫn còn 02 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59%).

Có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN 9 tháng đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 68,3% dự toán.

Riêng về chi đầu tư phát triển, giải ngân 9 tháng đầu năm tuy giá trị có tăng so với cùng kỳ năm trước (+13%), nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu; tỷ lệ giải ngân mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 19,07% kế hoạch. Có 7 bộ và 20 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% kế hoạch, trong khi vẫn còn 14 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao.

Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết ngày 26/9/2022, đã thực hiện phát hành 114,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,72 năm, lãi suất bình quân 2,62%/năm.

Thực hiện 9 tháng thu NSNN đạt ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 213% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán.

Trên cơ sở tình hình thực hiện thu NSNN 9 tháng đầu năm, dự kiến của Bộ KH&ĐT về kinh tế năm 2022 tăng trưởng 7 - 7,5%; xuất khẩu tăng 9,46%; nhập khẩu tăng 10,5% so với năm 2021; giá dầu tiếp tục giữ mức cao (giá dầu bình quân 9 tháng là 107,05 USD/thùng). Đánh giá cả năm thu NSNN ước thực hiện vượt dự toán, trong đó các lĩnh vực tăng khá như thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và thu từ tiền sử dụng đất...