Bà Lê Mai Trang – Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 1.985 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, xử phạt 88 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 186 triệu đồng. Riêng đợt cao điểm Tháng hành động, quận đã kiểm tra 645 cơ sở, xử phạt 45 trường hợp.
Theo bà Trang, các lỗi chủ yếu là không có dụng cụ chế biến, bảo quản riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm hết hạn dùng, không bảo quản thực phẩm an toàn, giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đặc biệt, trong Tháng Hành động, trên địa bàn quận đã xảy ra trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu tại phường Khương Đình. Sau vụ việc này, quận đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn và tiêu hủy 50 lít rượu không rõ nguồn gốc. Nói về việc quản lý mặt hàng này, bà Trang cho rằng, rất khó quản lý, bởi các quy định chưa rõ ràng. Các cơ sở lại có nhiều chiêu lách luật, chẳng hạn qua kiểm tra cho thấy, cửa hàng có nhiều bình rượu, nhưng họ dán bên ngoài là “Hàng trưng bày, không bán”, nhưng thực tế vẫn bán cho khách mà đoàn kiểm tra khó có thể “bắt tại trận”.
Trước một số bất cập trong công tác quản lý ATTP, bà Trang cũng như đại diện một số quận, huyện khác kiến nghị ngành chức năng xem xét, sửa đổi các thông tư, nghị định. Cụ thể, Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện.
Còn Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính thì việc tập huấn kiến thức về ATTP nay quy định là xác nhận kiến thức về ATTP nhưng Nghị định chưa sửa đổi nên không xử lý được vi phạm về người sản xuất, kinh doanh không có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Riêng Nghị định 67/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc chuyên ngành của Bộ Y tế quản lý chưa quy định ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bổ nên không biết quản lý và xử lý ra sao.