Nhiều rào cản đón khách quốc tế, cổ phiếu du lịch nhuộm đỏ bảng giá

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù theo kế hoạch từ ngày 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa lại hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài nhưng với những rào cản từ quy định thực thi khiến cho tình hình hoạt động cũng như giá trị các cổ phiếu ngành du lịch khó có thể "cất cánh".

Giá lao dốc, thanh khoản buồn

Đóng cửa phiên giao dịch 7/3, nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ phân hóa rất rõ nét, trong đó nhóm cổ phiếu ngành du lịch vẫn chìm trong sắc đỏ.

Đơn cử như "ông lớn" hàng không VJC. Chốt phiên, VJC của CTCP Hàng không Vietjet giảm mạnh 3,73% về mốc 134.200 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch ở mức rất thấp với chỉ gần 802 nghìn cổ phiếu được khớp lệnh.

Tương tự, HVN chốt phiên hôm nay cũng giảm gần 2% về mốc 24.900 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch có "nhỉnh" hơn VJC nhưng cũng chỉ ở mốc hơn 3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Bên cạnh 2 mã cổ phiếu hàng không này, nhóm cổ phiếu của các công ty du lịch cũng không khá khẩm hơn. Cổ phiếu VNG của CTCP Du lịch Thành Thành Công cũng giảm mạnh. Chốt phiên mã này đã giảm gần 4% về mốc 16.900 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cực kì đáng buồn khi cả phiên chỉ có hơn 286 nghìn cổ phiếu được khớp lệnh.

Tương tự, cổ phiếu VTR dù hôm nay không phải là ngày được phép thực hiện giao dịch nhưng tại phiên giao dịch ngày hôm qua mã này cũng giảm mạnh tới 4,37% về mốc 35.000 đồng/cổ phiếu.

Vẫn còn nhiều rào cản

Có thể thấy, cùng với không ít mã cổ phiếu ngành dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng, những mã cổ phiếu trên đều bắt đầu tháng 3 bằng 1 tuần không mấy thuận lợi. Tính chung tuần đầu của tháng 3, cả VJC, HVN và VTR đều đang giảm mạnh (với mức giảm trên dưới 2%-4,5%) bất chấp thông tin tốt đang đến với thị trường du lịch.

Theo đó, theo kế hoạch, từ ngày 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa lại hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài như trước khi có đại dịch Covid-19. Đây là một tín hiệu vui cho ngành này bởi sau hơn 2 năm ngành du lịch đã phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề do dịch Covid-19.

Trong khi đây là tin vui với ngành du lịch nhưng những quy định xung quanh việc này đang trở thành rào cản đối với các công ty hàng không cũng như lỡ hành; khiến cho hoạt động kinh doanh chưa thể khởi sắc ngay lại được.

Cụ thể, mới đây, trong việc góp ý cho phương án mở cửa lại, hoạt động du lịch sau 15/3, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có nhiều quy định chặt chẽ với khách du lịch quốc tế. Doanh nghiệp du lịch tỏ ra lo lắng cho rằng những quy định được đề xuất đang làm khó cho ngành du lịch.

Bộ Y tế đưa ra đề xuất trong vòng 24 giờ đầu, hành khách không rời khỏi nơi lưu trú ngay cả khi nhập cảnh vào Việt Nam có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính; đồng thời đưa ra khuyến cáo khách quốc tế không ra khỏi nơi cư trú trong vòng 72 giờ. Trường hợp ngày thứ 2 và 3, khách cần rời khỏi nơi lưu trú, phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày.

Ngoài hàng rào kỹ thuật về cách ly, xét nghiệm, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nhóm khách từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền hạn chế đi du lịch. Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muốn đón cả nhóm khách này, chỉ cần người đi cùng bảo hộ đáp ứng đủ điều kiện phòng chống dịch.

Theo nhiều ý kiến nhận định, những quy định này sẽ một lần nữa đưa du lịch quốc tế về lại vạch xuất phát và hiệu quả truyền thông cho chủ trương lớn của Chính phủ là mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3 sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Do vậy, nhìn chung vẫn còn nhiều lo ngại về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này khi có quá nhiều rào cản cho việc hoạt động bình thường trở lại như giai đoạn trước đại dịch.

Giá trị cổ phiếu phản ánh tình hình tăng trưởng trong tương lai. Chính vì vậy, nếu chưa thể gỡ được những rào cản này thì cổ phiếu hàng không, du lịch sẽ khó lòng mà "cất cánh".