Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhớ những ngày tháng Chạp năm ấy

Phương Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 11 năm 1972, tôi bị thương ở chiến trường Quảng Trị vì 2 quả “dính cánh” của trận bom B52 rải thảm xuống hậu cứ của tiểu đoàn công binh cầu phà chúng tôi bên dòng sông Cam Lộ.

Sau khi điều trị ổn định ở Viện quân y dã chiến 301, đơn vị phục vụ chiến dịch Quảng Trị mùa Hè đỏ lửa năm 1972 của Viện quân y 103, đầu tháng 12 tôi được chuyển ra Bắc theo đường dây 559 để tiếp tục điều trị và an dưỡng.
 

Phố Khâm Thiên bị máy bay B52 ném bom, năm 1972. (Ảnh tư liệu)

Từ Quảng Trị, Vĩnh Linh, rồi Quảng Bình… đoàn thương binh cứ đêm đi, ngày nghỉ để tránh máy bay oanh tạc. Thường thì cứ một đêm đi, lại nghỉ 1 đến 2 ngày để sàng lọc thương binh. Những ai đủ sức khỏe thì đi tiếp, người quá yếu được giữ lại chăm sóc, điều trị cho đủ sức để vượt những chặng đường dài. Từ Lệ Thủy, Quảng Bình chỗ có Viện quân y 112, khi các đoàn thương, bệnh binh từ các chiến trường gặp nhau trên tuyến chuyển thương chiến lược với hệ thống các trạm chuyển thương được đánh dấu bằng bí danh CT, mà trạm đầu tiên là CT01 đóng ở Thường Tín, cách Hà Nội chừng hai chục cây số, giữa các thương bệnh binh đã xuất hiện “đẳng cấp”. “Sài sang” nhất là nhóm ra từ mặt trận B2, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã dày dạn chinh chiến. Nhiều bác có đài transitor đeo trước ngực, áo len hoặc áo khoác vinilon, hút thuốc điếu thơm lừng. “Xơ xác” nhất có lẽ là cánh lính ra từ Quảng Trị, hầu hết nhập ngũ những năm 1971 - 1972. Có người vừa vào Thành cổ, chưa kịp nhớ phiên hiệu đơn vị, tên các cấp chỉ huy đã bị thương, được chuyển đi viện rồi theo đường dây CT ra Bắc, vừa đi vừa điều trị. Cũng bởi lúc đó chiến trường Quảng Trị đang là mùa mưa, quân trang, quân dụng chưa kịp cấp phát nên đám lính Quảng Trị thường áo quần tơi tả. Anh nào may mắn lắm thì còn có một hai bộ quân phục thay đổi. Mà năm ấy, trời rét lạ lùng. Cái lạnh trở nên buốt giá hơn với những người lính sức khỏe đã giảm sút do vết thương, bệnh tật, lại ở những vùng núi đá miền tây Quảng Bình, Hà Tĩnh… 
Trở lại chuyến ra Bắc của đám thương binh chúng tôi năm ấy. Sau một chặng dài, đêm đi ngày nghỉ, từ ngày 19/12, lịch trình của chúng tôi có sự thay đổi. Thay vì đêm đi, ngày nghỉ, chúng tôi chuyển sang đi ban ngày, mà đi bằng ô tô trên Quốc lộ 1. Dọc đường đi không còn máy bay săm soi, rình rập. Ngay cả buổi đêm, cũng không thấy pháo sáng lập lòe, cầm canh. Đang ngỡ ngàng về sự thay đổi này, trái tim những thằng lính Hà Nội lại đau nhói. Thì ra, không lực Hoa Kỳ đã tập trung lực lượng đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang… trong chiến dịch Linebacker II, không còn khả năng đánh phá những nơi khác. Những đêm cuối tháng Chạp ấy, gần như đám lính Hà Nội chúng tôi không ngủ. Tất cả tụ lại nghe nhờ tin tức từ chiếc đài bán dẫn của anh Tường, quê Từ Liêm, thương binh từ B2 ra. Những tin tức làm những thằng lính trẻ mới sống sót từ nơi lửa đạn trở về như quên đi đau đớn vì thương tật mà đau nỗi đau từ Khâm Thiên, An Dương, Bạch Mai, Uy Nỗ… Dù đã quá quen với những trận B52 rải thảm nơi chiến trường, nhưng chúng tôi vẫn không thể tưởng tượng người Mỹ lại có thể hèn hạ, đem bom rải thảm xuống những đường phố, khu tập thể, xuống người dân vô tội, cả những người bệnh đang nằm điều trị. Bên cạnh đó là nỗi lo về người thân, không biết số phận ra sao, đang sơ tán ở đâu? Càng về gần Hà Nội, chúng tôi càng sốt lòng khi mỗi đêm nghe tiếng bom ùng oàng, những chớp lửa nháng lên phía trời xa, nơi có những con phố, khu nhà thân thương. Riêng tôi, mong muốn và có một niềm tin là thế nào mẹ tôi, chị tôi và các cháu cũng sơ tán về quê ở một làng quê ven sông Nhuệ, gần chùa Đậu, một ngôi chùa cổ của quê tôi.
Khoảng 28/12, chúng tôi về đến CT 01, Trạm chuyển thương cuối cùng trên tuyến trạm chuyển thương binh từ chiến trường ra, đóng ở Nhị Khê. Chỗ này chỉ cách quê tôi chừng 2km. Bình thường, với sức lính, tôi chỉ đi bộ một lúc là đến, nhưng lúc ấy, vết thương ở chân chưa lành hẳn, tôi vẫn phải dùng nạng khi di chuyển, khoảng cách ấy là một trở ngại vô cùng lớn! Theo lịch trình, chúng tôi còn ở lại trạm này một ngày, để hôm sau về các trại an dưỡng hoặc các quân y viện. Được sự cổ vũ của mọi người, nhất là của anh Tường, người thương binh có thâm niên đánh giặc hơn chục năm ở B2, tôi mạnh dạn lên xin phép chỉ huy và được cho phép đi tìm mẹ với điều kiện phải có mặt trước 17 giờ!
Chống nạng mấy trăm mét từ con ngõ nhỏ ra đến đầu làng, tôi gặp ngay cảnh người Hà Nội dắt díu nhau đi sơ tán. Hôm đó đã là 30/12. Chỉ ít giờ sau là Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhưng để đề phòng Mỹ lật lọng, TP vẫn kêu gọi người dân tiếp tục sơ tán và người Hà Nội đang cố đi càng xa càng tốt.
Phải nói là tôi gặp may. Đứng ngắm dòng người sơ tán chừng mười lăm phút, tôi mừng rỡ nhận ra một gương mặt quen. Đó là Nguyễn Cường, hàng xóm của một người bạn học, nhà trong làng Hoàng Mai. Cường cùng gia đình chuẩn bị đi tiếp về quê ngoại đâu mãi tận Hà Nam, nhưng nghe tôi bày tỏ, anh lập tức xin phép bố mẹ đưa tôi đi rồi sẽ theo gia đình sau. May mắn hơn nữa là chỉ non nửa giờ sau tôi đã được gặp mẹ, chị và các cháu tôi đang sơ tán ở quê. Khỏi nói là phút giây đó hạnh phúc biết bao nhiêu. Chỉ trong hơn hai tiếng ghé qua thăm mẹ nơi sơ tán, tôi phải biểu diễn chống nạng đi lại không biết bao nhiêu lần để mẹ tôi và các ông chú, bà bác tin rằng chân tôi tuy bị thương, đang phải chống nạng, nhưng chắc chắn sẽ hồi phục, không phải mang thương tật. Dù là chưa hết thời gian được phép, nhưng không thể lạm dụng lòng tốt của Cường, người mà từ lúc đưa tôi về đến nơi chỉ lặng lẽ quan sát niềm vui của gia đình tôi với ánh mắt vui vẻ, tôi phải từ biệt mẹ.
Đưa tôi về tận nơi đóng quân, Cường lại vội vã đi cho kịp gia đình trong dòng người sơ tán. Sáng 31/12, sáng cuối cùng của một năm 72 không thể quên ấy, đám lính Hà Nội chúng tôi được xe của Đoàn an dưỡng 869 Bộ tư lệnh Thủ đô đón về Đông Anh. Dọc đường, qua thị trấn Văn Điển, chúng tôi vẫn thấy cảnh tan hoang vì bom Mỹ. Về đến đơn vị an dưỡng, tôi lại ở chung với mấy người bạn nhà ở Khâm Thiên. Ít hôm sau, được phép về thăm nhà, tôi tìm đến nhà người bạn thân, tên là Phan ở Khâm Thiên. Nhà bạn tôi bị bom đánh sập. Bố Phan đã mất, anh trai bị thương nặng trong cái đêm 26/12 ấy. Phan và mẹ may kịp đi sơ tán nên bình an. Chỗ nhà bạn tôi (số nhà 47-49-51) bây giờ là Đài tưởng niệm Khâm Thiên, di tích lịch sử quốc gia. Những ngày này, trước bức tượng Người mẹ bồng xác con vẫn nghi ngút khói hương tưởng nhớ gần 300 người dân đã thiệt mạng vì bom B52 của Mỹ trong đêm 26/12 năm ấy.
Giờ đây, sau gần nửa thế kỉ, tôi vẫn nhớ như in cái không khí bi tráng hồi đó. Có một điều tôi cảm nhận, khắc ghi nhất, đó là những ngày cuối tháng Chạp năm Bảy hai đó cũng như trong suốt những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, trong bom rơi đạn nổ, giữa cái sống, cái chết, người Hà Nội vẫn giữ một thái độ bình tĩnh. Dòng người đi sơ tán bằng đủ mọi phương tiện, từ ô tô, xe đạp, cả xích lô, đi bộ, đi cả ban ngày, ban đêm… vẫn trật tự, nhường nhịn, giúp đỡ nhau. Tại các cửa hàng, các xe bán hàng lưu động của Mậu dịch quốc doanh, những người còn ở lại TP vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt mình, tự động nhường cho phụ nữ có thai, người có con nhỏ mua trước… Các gia đình đi vắng, khóa cửa đã có hàng xóm, dân phòng, tự vệ trông nom. Không hề xảy ra nạn trộm cắp, hôi của… Tại các bến phà, cầu phao, không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy. Không những thế, trong hoàn cảnh đó còn xuất hiện biết bao tấm gương chiến đấu dũng cảm, biết bao nghĩa cử cứu người, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ cửa nhà thậm chí nhường nhau chỗ cuối cùng trong hầm trú ẩn... Và những người như anh bạn Cường của tôi, sẵn sàng gác việc hệ trọng là đưa mẹ mình đi sơ tán, để đưa một người bạn, dù chỉ là sơ giao, về thăm mẹ trong cái thời điểm đầy khó khăn ấy, không phải khó tìm. Phải chăng tất cả những điều đó đã góp phần cùng những Sam 2, những Mig 21, những pháo phòng không tầm cao, tầm thấp, những súng máy, súng trường… đánh bại không lực Hoa Kỳ trong 12 ngày đêm năm ấy, làm nên một Điện Biên Phủ trên không của Hà Nội  và cả nước.
Những ngày này, nhớ lại những kỉ niệm trong những ngày tháng Chạp năm ấy, với chúng ta, ngoài ý nghĩa nhớ lại một chiến công hào hùng, còn có giá trị củng cố cho niềm tin chắc chắn về một tương lai tốt đẹp hơn của dân tộc, đất nước chúng ta, một đất nước đã và đang có vị trí đáng tự hào trong con mắt bạn bè thế giới.