Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhờ xã hội đen đòi nợ: Chủ nợ biến thành đối tượng phạm pháp hình sự

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua xảy ra không ít trường hợp mâu thuẫn chuyện tiền bạc, bên cho vay đã cùng các đối tượng khác đòi tiền theo kiểu xã hội đen.

Khi mọi chuyện đi quá tầm kiểm soát, các “chủ nợ” ngỡ ngàng khi biết mình bị xử lý hình sự.
Điển hình như vụ việc đòi nợ xảy ra tháng 1/2017: Nguyễn Xuân Giang (SN 1976, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) có đưa một người quen 260 triệu đồng nhờ mua xe ô tô, tuy nhiên người này không mua được và cũng chưa trả lại tiền. Bức xúc vì đòi tiền nhiều lần không được, Giang đã cùng 3 đối tượng khác có hành vi đe dọa, bắt giữ người trái phép, ép “con nợ" liên hệ người thân mang tiền đến trả. Ngay sau đó, các đối tượng bị lực lượng công an bắt quả tang. Củng cố tài liệu, chứng cứ, Công an TP Hà Nội đã tạm giữ hình sự Giang và các đồng phạm về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản.
Tương tự trường hợp trên, mới đây (ngày 25/3), Công an TP Hà Nội đã kết luận điều tra vụ án cướp tài sản, đồng thời đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố Nguyễn Văn Minh (tạm trú tại Hà Nội) cùng 2 đồng phạm về hành vi cướp tài sản. Trước đó, đối tượng Minh có thỏa thuận hợp đồng cho thuê phòng với khách hàng tại khu vực phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Do khách hàng thuê chỗ ở mới và chưa minh bạch số tiền theo hợp đồng thuê phòng nên Minh cùng đồng phạm đã tổ chức truy tìm. Sau khi bắt gặp, các đối tượng đã tự ý cướp đi chiếc máy tính cá nhân của khách hàng… Theo cơ quan cảnh sát điều tra, khi bị bắt giữ, các đối tượng đều chưa nhận thức đầy đủ về hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến từ vai trò “chủ nợ” biến thành đối tượng phạm pháp hình sự.
Do đó, cơ quan công an khuyến cáo người dân không đòi nợ hành xử theo kiểu xã hội đen. Nếu gặp trường hợp tương tự, bên cho vay nên nhờ cơ quan chức năng giải quyết. Theo đó, vay nợ là quan hệ dân sự vì vậy nếu bên vay không trả nợ đúng hạn thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự giải quyết. Trường hợp tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng bên vay vẫn không trả tiền thì bên cho vay có thể đề nghị cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại tài sản của người vay tiền để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ... Ngoài ra, bên cho vay cũng có thể tố cáo đến cơ quan điều tra nếu nhận thấy bên vay có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo pháp luật. Khi đó, bên bị thiệt hại có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan điều tra yêu cầu người đã chiếm đoạt tiền của mình phải khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại nếu có.