Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những bong bóng đầu cơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi nghiên cứu về nguyên nhân sinh ra hàng loạt bong bóng hiện nay, ngân hàng Morgan Stanley lưu ý rằng việc dư thừa quá nhiều tiền mặt đã dẫn đến xu hướng đầu cơ vào bất kỳ thị trường nào.

KTĐT - Khi nghiên cứu về nguyên nhân sinh ra hàng loạt bong bóng hiện nay, ngân hàng Morgan Stanley lưu ý rằng việc dư thừa quá nhiều tiền mặt đã dẫn đến xu hướng đầu cơ vào bất kỳ thị trường nào.

Các nhà thầu và thương gia hăm hở lao vào cuộc đua đầu cơ tích trữ hàng hóa. Các chi phí tài chính, thêm vào đó là việc chi trả các khoản tiền lưu kho cũng là những yếu tố khiến cho giá bán các loại hàng hóa không ngừng tăng lên. 
 
Theo Bruno Cavalier, phụ trách nghiên cứu kinh tế của văn phòng "Oddo Securitie", lãi suất thấp và lượng tiền mặt dồi dào chính là huyết mạch nuôi bong bóng đầu cơ. Để thúc đẩy kinh tế, Trung Quốc đã bơm các khoản tín dụng, ước tính khoảng 25% GDP hàng năm của mình. Một phần tư được đặt vào thị trường chứng khoán, 1/4 dành cho bất động sản và phần còn lại đầu tư công nghiệp mặc dù lĩnh vực này chưa cần nhiều vốn đến như vậy. Do đó, nguồn tiền nhàn rỗi đã được sử dụng để đầu cơ hàng hóa, nhiên liệu và vàng... Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước khác cũng đi theo mô hình này. 
  
Patrick Artus, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tại ngân hàng Natixis nhận xét: "Với năng lực và dự trữ dồi dào của thị trường dầu thô hiện nay, giá dầu lẽ ra chỉ ở mức 30 USD/thùng, vậy mà hiện nay, giá này đã được đẩy lên đến 80 USD/thùng". Đây chính là minh chứng cụ thể của một loại bong bóng đầu cơ: giá cả của các sản phẩm tài chính và hàng hóa không còn phản ánh giá trị thực tế cơ bản. 
 
Trước tình trạng phát triển bong bóng đầu cơ, các ông chủ ngân hàng trung ương, vốn là đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất, không muốn và cũng không thể thay đổi xu thế này. Thống đốc Ngân hàng Anh Mervyn King nói: "Không nên cho rằng bất cứ khi nào giá tài sản tăng là có bong bóng, và khi chúng hạ giá có nghĩa là bong bóng đó đã bùng nổ". Ngày 16/11, Ben Bernanke, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED), cũng đưa ra một lý lẽ tương tự: "Về bản chất, rất khó để biết khi nào giá của một tài sản là phù hợp với giá trị cơ bản của nó và chỉ có thể chẩn đoán được đó là bong bóng sau khi nó đã nổ".
  
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cũng biện minh cho việc duy trì tính thanh khoản rộng rãi này. Theo ông, "phạm lỗi do thận trọng quá mức thì vẫn còn hơn, bởi vì sẽ có thể bị mất nhiều hơn thế nếu xuất tiền quá sớm hoặc quá muộn". Tuy vậy, Strauss-Kahn cũng không phải là không nhận thấy guồng máy đầu cơ đang có nguy cơ "nghiền nát" giới tài chính. Chính ông đã phải công nhận: "Mô hình “carry trade”, tức là đầu cơ dựa trên sự chênh lệch tỷ lệ lãi suất, là một nguyên nhân gây bất ổn tại các thị trường mới nổi". Cụ thể là nhà đầu cơ vay loại tiền có lãi suất thấp như USD để đầu tư ở các nước, chủ yếu là các nước đang nổi lên, nơi giá trị của tiền địa phương cao hơn. Còn Liu Mingkang, Chủ tịch Ủy ban điều phối Ngân hàng Trung Quốc, cho rằng kiểu đầu cơ này ảnh hưởng mạnh đến giá tài sản trên toàn thế giới. Ông cáo buộc chính sách tiền tệ Mỹ đã góp phần tạo ra và nuôi dưỡng các bong bóng đầu cơ ở Trung Quốc.
  
Chính vào lúc này, người ta nhớ lại là trong một bài phát biểu công khai vào năm 2002, khi chỉ là một quan chức trong FED, ông đã mượn cụm từ của các nhà kinh tế Milton Friedman, cho rằng phải "ném tiền từ máy bay trực thăng" để chiến đấu chống lại nguy cơ suy thoái. Và đó là những gì ông đã làm trong 2008-2009 khi đứng đầu FED. Nhưng với sự phát triển của các "carry trade", thay vì dùng "chiếc trực thăng", ông đã phải huy động cả "Boeing 747" để rải những USD ở mọi nơi trên thế giới. Kết quả giờ đây là những hậu quả rất xác thực của lạm phát. Điều này lý giải phần nào sự tăng giá “vô cớ” của nhiều loại hàng hóa nhạy cảm như giá vang, dầu mỏ, lương thực… hiện nay trên thị trường thế giới.