Báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiệt hại do đợt mưa bão vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 764 nhà đã bị ngập; tỉnh Thừa Thiên Huế có 70.249 nhà; thành phố Đà Nẵng có 11.520 nhà đã bị ngập; tỉnh Quảng Nam có 4.814 nhà; tỉnh Quảng Ngãi có 53 xã/phường thuộc 8 huyện, thành phố đã bị ngập; tỉnh Phú Yên có 7.787 nhà đã bị ngập (huyện Tuy An 4.856, huyện Đồng Xuân 2.931). Số người chết đã lên tới 106 người cùng hàng trăm người bị mất tích, bị thương.
Khánh Hòa: 42 người chếtCơn bão số 12 (bão Damrey) đổ bộ vào Khánh Hòa sáng 4/11 đã gây ra những thiệt hại chưa từng có trong hơn 20 năm qua tại các địa phương trong tỉnh. Theo ghi nhận tâm bão đi qua khu vực Nha Trang - Ninh Hòa - Vạn Ninh.Thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, tính đến 17h ngày 8/11, toàn tỉnh ghi nhận 2.554 căn nhà bị sập hoàn toàn. Trong đó, Vạn Ninh 644 nhà, Ninh Hòa 874 nhà, Nha Trang 449 nhà, Cam Lâm 37 nhà, Cam Ranh 19 nhà, Diên Khánh 210 nhà, Khánh Sơn 17 nhà, Khánh Vĩnh 304 nhà. Ngoài ra, hơn 58.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, nhiều nhất là ở Vạn Ninh với 19.700 nhà. Toàn tỉnh cũng có hơn 40.000 nhà bị hư hỏng nhẹ.Đến nay, xác định được 42 người tử vong do bão, trong đó có 2 người chưa xác định được danh tính (1 người tìm thấy thi thể ở Ninh Hòa và 1 người tìm thấy ở Vạn Ninh), ngoài ra có 138 người bị thương.Tại TP Nha Trang một số khu vực chưa được cấp điện trở lại, học sinh tại một số huyện vẫn chưa thể đến trường do mưa bão làm sập, tốc mái các lớp học.Ngành nông nghiệp địa phương báo cáo đã chịu thiệt hại hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là ngành Thủy sản. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 41km bờ sông bị sạt lở, hơn 31km kênh mương bị đứt gãy, hư hỏng, thiệt hại hơn 460 tỷ đồng. Riêng 2 hồ chứa nước ở Ninh Hòa bị sạt trượt mái đập thượng lưu gồm hồ Đá Bàn sạt trượt dài 80m và hồ Tiên Du dài 60m. Công tác khắc phục nhanh tình trạng sạt trượt đang được triển khai.
Quảng Nam: Sạt lở đất nghiêm trọng đe dọa cuộc sống người dânDo ảnh hưởng của mưa bão những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Hậu quả gây ngập lụt nghiêm trọng tại những vùng "rốn lũ" như huyện Duy Xuyên, TP Hội An... Đặc biệt gây lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng tại những huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn...Tại huyện Nam Trà My, hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông dân về huyện đều bị sạt lở, hư hại. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 40B có 11 điểm sạt lở gây chia cắt khu vực trung tâm huyện với bên ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng đất đá sạt lở gây tắc đường lên khoảng 24.000 m3.Về thiệt hại, tại xã Trà Vân đã xảy ra 2 đợt sạt lở đất làm lấp nhà 05 hộ gia đình khiến 13 người bị thương, 01 trẻ bị chết, 01 mất tích. Một vụ sạt lở đất xảy ra tại láng trại công nhân của công ty 412 thi công tuyến đường Trường Sơn Đông bị sạt lở, cứu được 01 người, trôi sông 03 người, 01 người đã được người dân huyện Sơn Tây vớt, các người còn lại trôi theo hướng sông Quảng Ngãi. Hiện nay đang tiếp tục tìm.Tình trạng sạt lở đất đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống người dân cũng diễn ra tương tự trên địa bàn huyện Bắc Trà My, Phước Sơn. Điển hình: Tại huyện Phước Sơn, 4 người bị vùi lấp trên quốc lộ 14E tại xã Phước Hòa, 2 nạn nhân tử vong trong vụ lở núi tại thôn 8 xã Phước Hiệp, 3 người dân đang gặt lúa rẫy tại thôn 8, xã Phước Hiệp thì bất ngờ phần đất tại rẫy sạt lở, đổ sập, vùi lấp 2 người...Trên địa bàn Bắc Trà My, tối 5/11, quả đồi giáp thôn Mẫu Cà và Đàn Nước (thị trấn Trà My) sạt lở đã vùi lấp một căn nhà với 9 người đang ở bên trong. Trưa 5/11, ở thôn 5, và thôn 6 xã Trà Bui, cả quả đồi đã san phẳng 10 ngôi nhà, rất may 60 người dân đã kịp sơ tán trước đó nên không để xảy ra thiệt hại về người.Tại "rốn lũ" Duy Xuyên, TX Điện Bàn, TP Hội An, huyện Nông Sơn nhiều tuyến đường, làng mạc vẫn đang bị chia cắt. Chính quyền địa phương đang khẩn trương huy động các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra để sớm ổn định đời sống người dân.
Bình Định: Thảm họa chìm tàu tại vịnh Quy NhơnPhát biểu trong chuyến khảo sát vịnh Quy Nhơn trưa 7/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, vụ 10 chiếc tàu bị đánh chìm, mắc cạn trong bão số 12 là sự cố “rất lớn, rất nghiêm trọng”. Hiện tại lực lượng chức năng một mặt tích cực duy trì nỗ lực tìm kiếm số thuyền viên còn mất tích, một mặt phải tập trung phương tiện, nhân lực tiến hành trục vớt, xử lý nguy cơ tràn dầu trên vịnh.Trong số 84 thuyền viên trên 8 tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn đã cứu được 71 người và tìm kiếm được 10 thi thể; trong đó, đã nhận dạng được 8 thi thể. Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn duy trì 18 phương tiện tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích.Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã giao cơ quan công an điều tra, làm sáng tỏ vụ hàng loạt tàu chở hàng bị sóng đánh chìm: Tại sao có quá nhiều tàu neo đậu ngoài phao số 0 mà không được đưa vào tránh bão ở cảng Quy Nhơn?Giải thích về điều này, Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn Bùi Văn Vương cho biết, lúc bão đến để dồn tất cả tàu vào cảng Quy Nhơn là không thể. Vì vùng neo trong cảng chỉ có 7 vị trí, đồng nghĩa với khả năng đảm bảo an toàn cho 7 tàu đậu, tận dụng hết cỡ chỉ có thể thu xếp 20 chiếc."Bão Damrey quá lớn nên tổng cộng, có tới 53 chiếc đậu san sát trong cảng, chưa tính hàng ngàn tàu cá. Không còn chỗ để thở nữa là. Tàu chìm là tàu vãng lai, ngang qua Quy Nhơn, gặp bão nên ghé trú tránh. Không tàu lớn nào dám vào trong cảng. Nếu vào, thiệt hại sẽ là vô cùng khủng khiếp. Bể cảng luôn", ông Vương phân trần.Tính đến ngày 8/11, mưa vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, mực nước các con sông lớn đang xuống, dao động ở mức báo động I-II. Lượng nước tại 165 hồ chứa nước đạt 71% dung tích thiết kế. Toàn tỉnh có 7 người dân tại Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước bị chết, 5 người mất tích do mưa lũ; 151 nhà sập, 790 nhà hư hỏng, tốc mái; 15.439 ngôi nhà và 4.250 giếng nước bị ngập. Hiện vẫn còn 1.050 nhà dân tại Cát Chánh (Phù Cát); Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước) bị ngập nước.