Theo đó, đối tượng áp dụng của thông tư này là các cơ sở KCB của Nhà nước; người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về mức tối đa khung giá dịch vụ KCB được quy định cụ thể theo thông tư này, bao gồm: Mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; mức tối đa khung giá dịch vụ ngày giường điều trị; mức tối đa khung giá DVKT, xét nghiệm. Tất cả được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các DVKT y tế.
Thông tư cũng hướng dẫn, làm rõ các vấn đề để các cơ sở KCB thực hiện như: Nguyên tắc và thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB; hướng dẫn thực hiện giá khám bệnh; cách xác định số ngày giường, áp dụng mức giá ngày giường; hướng dẫn thực hiện giá DVKT và xét nghiệm; trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Thông tư 37/2018/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2019. Theo đó, các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày này, gồm: Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Thông tư số 44/2017/TT-BYT ngày 16/11/2017 của Bộ Y tế sửa đổi Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.