Những kỳ vọng lạc quan

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc kinh tế Mỹ quay trở về quy mô trước khi dịch Covid-19 bùng phát và kinh tế Eurozone tăng trưởng mạnh đồng nghĩa kinh tế thế giới đã trở lại ngưỡng của năm 2019, theo các chuyên gia kinh tế tại Capital Economics và Oxford Economics. Trong khi đó, OECD nhận định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu tốt hơn dự báo giúp thu hẹp khoảng cách sản lượng kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 6% trong năm nay.

Nhà máy sản xuất pin của BMW ở Dingolfing, Đức. Ảnh: BMW
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang được duy trì ở mức cao trong năm nay và cả năm 2022. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Reuters với khoảng 500 chuyên gia kinh tế trên toàn cầu, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, mức tăng cao nhất trong gần 50 năm. Con số tương tự được dự báo cho năm 2022 là 4,5%. Có tới hơn một nửa trong số 48 nền kinh tế hàng đầu được Reuters theo dõi đều có mức dự báo tăng hơn so với cuộc thăm dò hồi tháng 4 năm nay. Các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát trên đều nhận định tỷ lệ lạm phát gia tăng trong thời gian qua ở các nền kinh tế lớn chỉ là tạm thời.
Thậm chí, một số nhà phân tích dự báo khá lạc quan rằng vào mùa Xuân năm 2022, quy mô kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ trở lại quy mô trước đại dịch Covid-19. Tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, các DN và người tiêu dùng đang hướng đến câu chuyện phục hồi sau khủng hoảng Covid-19 khi các hoạt động kinh tế được tái khởi động. Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa dự báo rằng tăng trưởng GDP tại khu vực Eurozone sẽ đạt 4,6% vào cuối năm nay, và 4,7% trong năm tới. Nhận định về kinh tế Eurozone trong ngắn hạn, ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Pantheon Macro, lưu ý: “Chúng tôi tiếp tục duy trì tâm lý lạc quan và dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 thậm chí còn tốt hơn bất chấp rủi ro từ dịch bệnh”.

Theo bài phân tích trên Gulf News, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nhiều nền kinh tế, nhưng kinh tế toàn cầu có thể chứng kiến sự phục hồi toàn diện vào cuối năm 2022 nhờ các chương trình tiêm vaccine Covid-19 triển khai rộng rãi. Gulf News khẳng định, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu rất sáng sủa, mặc dù con đường này không hoàn toàn bằng phẳng. Trong dự báo công bố hồi cuối tháng 7 vừa qua, IMF kỳ vọng, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, sau khi đã giảm 4,9% trong năm ngoái. Đối với năm 2022, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 4,9%, tăng so với dự báo trước đó là 4,4%. Nhưng một lần nữa, về cơ bản đây là một sự điều chỉnh tăng đáng kể cho các nền kinh tế phát triển và khiêm tốn hơn cho thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Cũng có nhận định tương tự, các nhà kinh tế tại Ngân hàng Goldman Sachs nói rằng mặc dù nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với những yếu tố bất lợi, họ vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Công nghiệp được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn so với lĩnh vực dịch vụ. Các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ đã bắt đầu chứng kiến đà phục hồi. Giai đoạn tồi tệ nhất đối với nền kinh tế toàn cầu dường như đã đi qua. Do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã chứng kiến kinh tế suy giảm ở mức hai con số trong năm 2020.

Tuy nhiên, khác với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi của kinh tế thế giới lần này lại không đồng đều, một phần là vì sự khác biệt trong tiến trình tiêm ngừa vaccine Covid-19 và quy mô các chính sách hỗ trợ kinh tế. Sự chênh lệch trong hồi phục kinh tế giữa các nước có thể là yếu tố cản trở kinh tế thế giới nói chung sớm đạt được các mức như thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Nhà kinh tế trưởng Arun Singh của công ty nghiên cứu và tư vấn Dun & Bradstreet cho biết: “Các chỉ số tâm lý của người tiêu dùng và DN đã phục hồi ở các quốc gia có tỷ lệ phủ vaccine trên diện rộng và triển vọng kinh tế đang phân hóa mạnh theo tỷ lệ tiêm chủng và năng lực chính sách tài khóa”.

Theo IMF, kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng với khoảng cách ngày càng lớn giữa các nền kinh tế phát triển với nhiều thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Bà Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng của IMF, lưu ý: “Tất cả các quốc gia cần thực hiện nỗ lực đa phương để bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine, chẩn đoán và nhanh chóng điều trị bệnh nhân Covid-19. Điều này sẽ hạn chế tối đa số người thiệt mạng, ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện và đóng góp thêm hàng nghìn tỷ USD cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu".