Nghị định quy định biện pháp cần thiết để ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật:
Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và pháp luật về việc chậm trễ thực hiện việc ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thuộc nhóm A theo quy định tại điểm a khoản 1 hoặc điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu thu hồi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiến hành các trách nhiệm công khai và thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó theo quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 33 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (*).
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thuộc nhóm B theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu thu hồi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiến hành trách nhiệm công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 33 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (**).
Trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn tiến hành các trách nhiệm công khai, thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó quy định tại khoản (*), (**) nêu trên thì tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện việc công khai, thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó theo thời hạn quy định của pháp luật khác.
Khoản 4 Điều 3 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ:
Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm, hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng mặc dù sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, bao gồm:
a) Sản phẩm, hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;
b) Sản phẩm, hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng;
c) Sản phẩm, hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.
Khoản 1 Điều 33 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ:
Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật bao gồm:
a) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng;
b) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm B là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng;
c) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng thì áp dụng các quy định đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A.