Những ngày đen tối của chứng khoán châu Á

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chức các quốc gia châu Á đã nỗ lực để ngăn chặn những thiệt hại từ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong các phiên giao dịch từ giữa tháng 8, ghi nhận những tháng ngày đen tối của TTCK khu vực và toàn cầu.

Ngay sau khi mở cửa giao dịch ngày 24/8, tất cả các TTCK ở châu Á đều giảm điểm. Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, trong khi chỉ số Topix của TTCK Nhật Bản rơi vào giai đoạn điều chỉnh.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc, gây quan ngại về đà bán tháo trên thị trường toàn cầu trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc, gây quan ngại về đà bán tháo trên thị trường toàn cầu trong thời gian tới.
Việc công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 và là đòn giáng mạnh lên TTCK toàn cầu. Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có nhiều nước phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên vật liệu thô, chịu tác động đặc biệt mạnh bởi triển vọng giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và sự lao dốc của giá hàng hóa.

Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite của TTCK Trung Quốc ngày 24/8 dẫn đầu đà giảm với 8,5% - mức giảm trong ngày cao nhất kể từ tháng 2/2007. Trung Quốc ngày 23/8 đã bật đèn xanh cho các quỹ hưu trí do chính quyền địa phương quản lý tham gia đầu tư vào TTCK. Theo lý thuyết, thêm 97 tỷ USD sẽ chảy vào TTCK Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái thúc đẩy này có vẻ chưa phát huy tác dụng khi thị trường này tiếp tục sụt giảm mạnh.

TTCK Nhật Bản đã chứng kiến phiên bán tháo với khối lượng lớn nhất trong suốt 2 năm qua, với những quan ngại về kinh tế Trung Quốc. Sàn Tokyo đóng cửa ngày 24/8 với chỉ số Nikkei giảm 4,61%. Nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, trước những biến động của thị trường tiền tệ trong vài tuần qua và đỉnh điểm là việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ đã khiến niềm tin của các nhà đầu tư nước này mong manh hơn bao giờ hết.

Chỉ số các công ty đại lục niêm yết cổ phiếu ở thị trường Hongkong giảm xuống dưới mức 10.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 5/2014. Chỉ số Taiex của TTCK Đài Loan (Trung Quốc) đã giảm 7,5%, mạnh nhất kể từ năm 1990. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm ngày thứ 7 liên tiếp, hướng đến phiên đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 26/6/2013.

Trước bối cảnh TTCK châu Á đua nhau lao dốc, các nhà chức trách đã khẩn trương đưa ra một loạt biện pháp cứu vớt. Trong khi giới chức tài chính Đài Loan (Trung Quốc) lên tiếng ngăn cản các nhà đầu tư hoạt động bán khống nhằm vực giá cổ phiếu, thì chính quyền Hàn Quốc bị nghi ngờ đã bán ra lượng lớn USD trong phiên giao dịch sáng 24/8 nhằm bình ổn thị trường. Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng T.Ư Ấn Độ cho biết, sẵn sàng sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ để bình ổn thị trường tiền tệ. Thống đốc Ngân hàng T.Ư Indonesia cũng cam đoan giữ giá của đồng Rupiah trong làn sóng giảm giá trên thị trường tiền tệ châu Á.

Kể từ khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ 2 tuần trước, hơn 5.000 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi TTCK toàn cầu, thổi bùng lên nỗi lo về đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những tuyên bố mập mờ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc tăng lãi suất cũng góp phần làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư. Để chấm dứt đà lao dốc này, các chuyên gia nhận định thị trường thật sự cần Trung Quốc cắt giảm lãi suất và nới lỏng chính sách hơn nữa, cũng như những động thái rõ nét hơn từ FED.
Trên TTCK Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 24/8, chỉ số VN-Index giảm 29,37 điểm (-5,28%), xuống 526,93 điểm, với 249 mã giảm trong khi chỉ có 24 mã tăng. Đây là mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua. Có thời điểm, VN-Index giảm tới 35 điểm, tức hơn 6%. Lực bán tăng lên mạnh, bất chấp mọi mức giá đã đẩy thanh khoản toàn thị trường vọt lên mức cao, với hơn 3.700 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 73,09 điểm, giảm 4,51 điểm (5,81%). Toàn sàn có 29 mã tăng, 205 mã giảm và 132 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 70,6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 697,56 tỷ đồng. (Đinh Nguyễn)