Cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị trình tại Kỳ họp thứ 9
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là phiên họp cuối của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị trình tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định một số vấn đề theo thẩm quyền.
Theo đó, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số chính sách đặc thù khác (nếu có).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến Bắc - Nam phía Đông (nếu kịp chuẩn bị).
Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có thể xem xét công tác nhân sự của các cơ quan nếu kịp chuẩn bị.
Toàn bộ các kiến nghị cử tri đã được xem xét trả lời thấu đáo
Ngay sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Trình bày Dự thảo báo cáo kết quả giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri luôn quan tâm, theo dõi và đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội. Nhiều vấn đề cử tri nêu đã được các đại biểu Quốc hội tiếp thu và phản ánh tại nhiều phiên thảo luận, chất vấn tại Quốc hội. Cử tri nhiều tỉnh thành phố tiếp tục kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc quản lý đất đai, công sản, tiến độ và chất lượng một số công trình dự án lớn, đầu tư từ ngân sách, nhất là các dự án giao thông, đường cao tốc,... tại kỳ họp này, cử tri một số địa phương còn kiến nghị cần nghiên cứu xem xét tăng mạnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tương tự như nghị định 100 để đảm bảo tính răn đe cao, vì đây là vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người dân.
Một số vấn đề được cử tri, dư luận xã hội quan tâm như xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước; công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đã được Ủy ban của Quốc hội tổ chức làm việc, nghiên cứu, xem xét để kiến nghị về các vấn đề mà cử tri quan tâm; Toàn bộ các kiến nghị cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội đã được xem xét trả lời thấu đáo, đầy đủ, đúng thời hạn đạt 100% đảm bảo giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với cử tri trong mọi hoàn cảnh.
Đối với việc trả lời kiến nghị cử tri của Chính phủ, qua giám sát cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành vẫn luôn rất tích cực, khẩn trương, trách nhiệm trong xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri. Ngay tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 09/4/2020, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ sớm hoàn thành việc trả lời kiến nghị cử tri trong đó lưu ý trả lời phải đúng yêu cầu, có giải pháp cụ thể để xử lý, không trả lời chung chung, trích dẫn Nghị quyết Đảng, quy định pháp luật. Thông qua việc theo dõi giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Ban Dân nguyện nhận thấy việc giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành ngày càng khoa học, chất lượng, trách nhiệm cao. Hầu hết các văn bản trả lời cử tri đã được các Bộ, ngành trả lời cặn kẽ, chi tiết, thấu đáo, có chỉ dẫn rõ văn bản, điều khoản áp dụng nên được đa số các đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc tìm giải pháp để tháo gỡ do đó cử tri tiếp tục bức xúc, tiếp tục kiến nghị. Một số kiến nghị của cử tri yêu cầu kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm nhưng thường được trả lời chung chung mà chưa nêu rõ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, vẫn còn chậm do khó xác định cơ quan chủ trì giải quyết…
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV; đánh giá báo cáo tương đối toàn diện, số liệu dẫn chứng rõ ràng, đưa ra nhiều kiến nghị phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan, Bộ, ngành đã phối hợp với Ban Dân nguyện hoàn thành báo cáo trong điều kiện phải đối phó dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên họp, đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo, rà soát kỹ lưỡng lại các nội dung trong báo cáo để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi đưa ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 tới đây.