Hội nghị lần này là cơ hội lớn nhất chưa từng có nhằm cải thiện mối quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn rơi vào vòng xoáy căng thẳng thời gian qua.
Dù không kỳ vọng vào đột phá lớn trong các vấn đề bế tắc lớn, cuộc gặp dự kiến sẽ đưa ra sáng kiến về một loạt vấn đề, bao gồm nới lỏng các hạn chế thị thực, tạo ra một mối quan hệ song phương đối thoại về vũ khí hạt nhân và một khuôn khổ khả thi để xoa dịu xung đột thương mại.
Bức thư “đánh động”
Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đã có 2 cuộc điện đàm trong năm nay, với cuộc gần nhất hôm 9/9 kéo dài 90 phút. Các quan chức Nhà Trắng cho biết trước đó hai nhà lãnh đạo sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trước cuối năm nay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden-thời điểm giữ vị trí Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Hai nhà lãnh đạo đã phát tín hiệu tích cực trước thềm sự kiện gặp gỡ trực tuyến thông qua thư chúc mừng mà cả hai nhà lãnh đạo đã gửi trong tuần này tới Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung Quốc nhân kỷ niệm 55 năm thành lập.
Bức thư của ông Tập - do đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Qin Gang, đọc tại một buổi dạ tiệc, có đoạn nêu rõ: “Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ để tăng cường trao đổi và hợp tác trên toàn diện”. Thông điệp của bức thư đã được nhấn mạnh khi được đưa tin rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc
Trong khi đó, bức thư từ phía ông Biden, được Chủ tịch ủy ban Jacob Lew đọc tại buổi dạ tiệc, nhấn mạnh "ý nghĩa toàn cầu" của mối quan hệ Mỹ-Trung trong việc giải quyết các thách thức "từ giải quyết đại dịch Covid-19 đến những đe dọa hiện hữu của cuộc khủng hoảng khí hậu."
Đặt tiêu chuẩn cho cuộc cạnh tranh “lành mạnh”
Tuy nhiên, một quan chức chính quyền cấp cao nhận định cuộc họp trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực lớn và nhu cầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiểu rõ ý định của nhau.
"Như Tổng thống Biden đã nói rõ, ông ấy hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt, nhưng không muốn xung đột", một giới chức giấu tên chia sẻ với Politico.
Đồng thời, quan chức này đưa ra kỳ vọng khiêm tốn về bất kỳ thông báo lớn nào sau khi hai nhà lãnh đạo hội đàm. Cách tiếp cận thận trọng đó phản ánh lợi ích lớn mà quan hệ Mỹ-Trung nắm giữ đối với toàn thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden-thời điểm giữ vị trí Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: Getty |
"Sẽ khó có thành quả hoặc kết quả cụ thể. Đây là việc đặt ra các điều khoản của một cuộc cạnh tranh hiệu quả, theo đó Mỹ có cơ sở để bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình cũng như của các đồng minh và đối tác. Chúng tôi tin rằng khi các điều khoản hay rào cản này - được thành lập, chúng tôi có thể duy trì một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ,” giới chức này nói rõ.
Việc xác nhận thời điểm về Hội nghị diễn ra khá lâu sau thời điểm phía Mỹ công bố hạn mốc "trước cuối năm" cho sự kiện. Điều đó chứng tỏ giới chức Nhà Trắng tìm cách hạ thấp kỳ vọng của công chúng đối với kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này.
Thúc giục thỏa thuận dưới thời Trump
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He đang xem xét việc Trung Quốc thực hiện một thỏa thuận giai đoạn một được đàm phán dưới thời chính quyền Trump. Hiệp ước đó bao gồm cam kết của Trung Quốc về việc nhập bổ sung 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ vào năm 2020 và 2021, so với lượng mua vào năm 2017. Bắc Kinh cũng đồng ý giải quyết một số lo ngại về chính sách của Washington trong các lĩnh vực như nông nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nói với các phóng viên tuần qua, bà Tai cho biết, Mỹ đang "có động lực" trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề thực hiện giai đoạn một và bày tỏ hy vọng chúng có thể sớm hoàn thành. Với thời hạn kéo dài hai năm sắp kết thúc, Bắc Kinh vẫn còn thiếu rất nhiều để đạt được mục tiêu 200 tỷ USD.