Theo thống kê của Cục đường bộ Việt Nam, hiện có 12 dự án/đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng có thể triển khai thu phí gồm: cao tốc Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Sẽ có 12 tuyến đường sẽ được tiến hành thu phí vào năm 2025. |
Bên cạnh đó, một số tuyến đường bộ cao tốc đang xây dựng gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Binh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau sẽ triển khai thu phí sau khi hoàn thành dự án.
Mức phí cho các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ được xác định dựa trên 4 nguyên tắc, trong đó đáng lưu ý là việc mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo tính toán sẽ có 2 hình thức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Hình thức thứ nhất là Nhà nước tự tổ chức thực hiện và hình thức thứ hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã chuẩn bị các phương án, nếu tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm trên tinh thần cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên tục cho người sử dụng.
Về mức phí, Cục đã nghiên cứu các kịch bản, tính toán, làm sao đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí logistics.