“Theo tiêu chuẩn quốc tế nợ công đã vượt 100% GDP” Báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2011- 2015, nợ công đã gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Cuối năm 2015, dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393 nghìn tỷ đồng). Nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội. Đáng lưu ý, báo cáo nêu rõ theo nhiều chuyên gia, quy mô nợ công thực tế có thể đã cao hơn so với mức công bố do cách thức xác định nợ công của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế uy tín có sự khác biệt. Nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam dựa trên nguyên tắc trách nhiệm thanh toán thuộc về chủ thể đi vay, còn nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế được xác định trên cơ sở chủ sở hữu thực sự hay pháp nhân đứng sau chủ thể đi vay phải có trách nhiệm thanh toán. Theo đó, nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ bằng nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam cộng với nợ của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội và một số địa phương. “Căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chuyên gia đưa ra ước tính và cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức 100%”, báo cáo đánh giá.
Ảnh minh họa |
Nhưng rủi ro hơn lớn nhất, theo báo cáo của Trung tâm BIDV, nằm ở việc sử dụng đồng vốn vay. Việc đầu tư dàn trải, nhất là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, dẫn tới hiệu quả sử dụng không cao. Theo Ngân hàng thế giới, ICOR của Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2005 là 4,88; giai đoạn 2006 - 2010 lên đến 6,96 và sau 5 năm, vẫn ở mức 6,92 vào giai đoạn 2011 - 2014, chỉ đứng sau Ấn Độ là 7,31 tại châu Á. Ngoài ra, một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển. Cụ thể, tỷ lệ trả nợ trong kỳ/dư nợ vay của Chính phủ và khoản vay được Chính phủ bảo lãnh ở mức khoảng 14,2% năm 2014 (số liệu mới nhất được Bộ Tài chính công bố) và lên đến 16% năm 2015 theo ước tính của Ngân hàng Thế giới. Việc dành đến 14% - 16% dư nợ công trong kỳ để trả nợ gây hạn chế đến đầu tư phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác. Ngoài ra, cơ cấu chi ngân sách không bền vững, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nợ công. Trong giai đoạn 2010 - 2015, chi ngân sách chủ yếu là chi thường xuyên với mức tăng trưởng là 18,44%/năm. Ngược lại, chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm, nhất là từ năm 2013 đến nay, chỉ ở mức 4,8%/năm. Báo cáo của BIDV cũng đề ra một số thách thức nợ công Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể: Cơ cấu thu chi ngân sách tiếp tục tạo ra nhiều áp lực tăng nợ công: Cân đối thu chi NSNN của Việt Nam được dự báo sẽ chịu áp lực lớn trong thời gian tới. Về thu ngân sách: Sự sụt giảm của tỷ lệ thu ngân sách/GDP dẫn tới thâm hụt ngân sách, qua đó làm gia tăng nợ công. Về chi ngân sách: Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 10 - 12% GDP/năm giai đoạn 2015 - 2020 vượt xa khả năng của NSNN. Yêu cầu tăng trưởng kinh tế gây áp lực nên nợ công: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được xác định ở mức 6,5-7%/năm, mức khá tham vọng trong bối cảnh hiện nay. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và Trung Quốc, để Việt Nam đạt được mức tăng NSLĐ mục tiêu 5% như Bộ KH&ĐT khuyến nghị, cần lượng vốn đầu tư rất lớn, có thể cao hơn mức 32 - 34% GDP theo kế hoạch phát triển xã hội (2016 - 2020) và cần những cải cách thể chế quyết liệt. Nợ ưu đãi nước ngoài sẽ giảm dẫn tới yêu cầu về các nguồn thay thế: Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sớm “tốt nghiệp” ODA. Theo đó: Giảm dần vốn ODA ưu đãi sau khi đạt đỉnh vào 2009; Giảm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và ưu đãi, thay vào đó là các kênh tín dụng mới có các điều kiện cho vay kém ưu đãi hơn; Chuyển từ hợp tác giữa các Chính phủ sang hợp tác giữa các đối tác của hai quốc gia. 4 giải pháp cho giai đoạn 2016 - 2020 Trong báo cáo của mình, BIDV đã đề ra một số giải pháp cho giai đoạn 2016-2020. Thứ nhất: Nâng cao năng lực quản lý nợ công. Theo BIDV, cần phải quy trách nhiệm rõ ràng, kiện toàn và nâng cao trình độ của bộ máy. Cụ thể, xem xét thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công (UBGS&KSNC- trực thuộc Quốc hội). Ủy ban này có chức năng giám sát các vấn đề nợ công và NSNN; Giám sát, chỉ đạo hoạt động và sự phối hợp của các đơn vị liên quan tới các vấn đề trên; Cấp phép và giám sát hoạt động của các cơ quan chuyên môn cao được phép cung cấp dịch vụ tư vấn và đấu thầu cho dự án dùng vốn nợ công; Tham mưu cho Quốc hội về việc Ban hành Luật, trong đó có quy định về đãi ngộ/ chế tài đối với cá nhân liên quan tới hoạt động quản lý, sử dụng và giám sát nợ công; Phê duyệt và giám sát các quyết định về NSNN, khoản vay và cho vay từ nguồn nợ công với một giá trị tối thiểu cho trước. Bộ Tài chính cần đưa ra văn bản hướng dẫn thi hành Luật về nợ công, quản trị rõ ràng; Xây dựng hệ thống quốc gia về khai báo các khoản vay; Trong thẩm quyền được giao, BTC tự ra quyết định về NSNN, phê duyệt các khoản vay và đầu tư trên cơ sở tham khảo ý kiến của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đã được UBGS&KSNC chấp thuận. Đối với việc quản lý vốn vay nước ngoài, cần thông qua một đầu mối cho vay và quản lý ODA. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các nước phát triển, BIDV đề xuất một mô hình mới trong việc tổ chức vận động, thu hút và quản lý các dự án vay vốn nước ngoài: Lựa chọn một ĐCTC có kinh nghiệm về tín dụng đầu tư phát triển (điển hình là BIDV), là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện thẩm định, đề xuất cơ chế tài chính áp dụng đối với dự án, điều kiện vay áp dụng cho Dự án…; Đơn vị này phải có kinh nghiệm trong việc quản lý các khoản vay nước ngoài, năng lực về tài chính để có thể chịu được rủi ro không ảnh hưởng đến NSNN. Đặc biệt, cần tuân thủ nguyên tắc tín dụng, chỉ vay nợ khi có dự án hiệu quả và nguồn trả nợ rõ ràng, có tính đến các kịch bản rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo khả năng thanh toán của Chính phủ. Tiến tới áp dụng quy tắc “ai hưởng lợi, người đó trả nợ” nhằm nâng cao trách nhiệm sử dụng và bảo vệ nguồn thu từ chủ dự án dùng vốn nợ công (kinh nghiệm của Trung Quốc). Tư nhân hóa các dự án công trên cơ sở đấu thầu công khai, cạnh tranh về giá cả và chất lượng và gắn với trách nhiệm cá nhân. Thứ hai: Nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công và đầu tư công. BTC là đầu mối xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ phương án tái cơ cấu nợ công gồm: Phối hợp cùng Bộ KH&ĐT đề xuất các phương án tăng cường phát hành TPCP 10-15 năm nhằm tăng tính chủ động trong trả nợ; Đổi mới cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, mở rộng đối tượng cho vay đến doanh nghiệp và các TCTD; và tăng cường trách nhiệm của người vay lại; Nghiên cứu cơ chế huy động vốn vay OCR/ IBRD. Bên cạnh đó, cần gắn tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu NSNN, ngành tài chính-ngân hàng, các DN và nền kinh tế. Thứ ba: Tăng cường kỷ luật NSNN và phối hợp chính sách. Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp các Bộ ngành, địa phương rà soát việc thực hiện dự toán chi ngân sách năm 2016; Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư từ vốn NSNN giai đoạn 2015 - 2020 và vốn TPCP trên cơ sở bám sát định hướng Chiến lược phát triển KT-XH các giai đoạn của cả nước, các Bộ ngành, địa phương. Thứ tư: Phát triển nội lực của nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nhằm thúc đẩy phân bố nguồn lực, phát triển kinh tế và tăng tỷ lệ tiết kiệm trong nước lên >30%. Chính phủ, các Bộ ngành và doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN và đầu tư công; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu. Bên cạnh đó, cần phát triển cân bằng hệ thống tài chính nhằm mở rộng nguồn huy động tài trợ cho nợ công trong nước: nợ công trong nước chủ yếu qua phát hành TPCP và đa số do các NHTM nắm giữ, nguyên nhân là do hệ thống tài chính hiện đang phụ thuộc khối ngân hàng, trong khi TTCK và trái phiếu chưa phát triển. Theo đó, yêu cầu trước mắt là tăng cường năng lực tài chính của các NHTM, sau đó phải nhanh chóng có biện pháp phát triển đồng bộ và tiếp tục mở rộng quy mô các thị trường trong hệ thống tài chính. Với những nội dung đã phân tích và cảnh báo nêu trên, theo BIDV, Chính phủ cần giao BTC đầu mối xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý nợ công ngay trong quý III/2016, để chính thức triển khai từ cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.