KTĐT - Từ lâu, nước Đức đã chọn cho mình một hướng đi khác, đó là sự thận trọng trong chi tiêu công. 6 năm qua, quốc gia châu Âu này đã duy trì được đà tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp suy giảm, đồng thời ngân sách gần như cân bằng.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, chính phủ đang được kêu gọi chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, đồng thời tránh sự cắt giảm chi tiêu quá mạnh tay, cho dù gánh nặng nợ nần đang tăng cao.
Tuy nhiên, từ lâu, nước Đức đã chọn cho mình một hướng đi khác, đó là sự thận trọng trong chi tiêu công. 6 năm qua, quốc gia châu Âu này đã duy trì được đà tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp suy giảm, đồng thời ngân sách gần như cân bằng.
Trong bài viết tựa đề “What Germany knows about debts” (tạm dịch: “Những gì nước Đức biết về nợ nần”) đăng tải trên tờ New York Times, giáo sư kinh tế học Tyler Cowen thuộc Đại học George Mason của Mỹ cho rằng, về phương diện chính sách tài khóa và phục hồi kinh tế, nhiều quốc gia khác có thể học được bài học bổ ích từ nước Đức.
Theo giáo sư Cowen, lịch sử thế kỷ 20 có thể giúp lý giải phần nào những gì mà nước Đức làm ngày nay.
Sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới 2, nước Đức phải đương đầu với siêu lạm phát và tình trạng đất nước bị chia cắt làm hai phần. Với những gì đã trải qua, người Đức có mối quan tâm lớn hơn tới vấn đề tài chính dài hạn, vì họ không tin tưởng là tương lai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay.
Sự thận trọng này trong nhiều trường hợp là không cần thiết. Sự thận trọng trong chi tiêu của nước Đức, cũng tương tự như việc mua bảo hiểm động đất hay cháy nhà vậy. Người ta không thể đánh giá việc mua bảo hiểm này bằng cách đặt câu hỏi liệu nhà mình sẽ cháy hàng năm hay không.
Những người theo trường phái kinh tế học Keynes đã chỉ trích sự thận trọng tài khóa ở thời điểm hiện nay của chu kỳ kinh tế. Họ lập luận rằng, kích thích tài khóa sẽ đem đến cho các nền kinh tế sự bảo vệ lớn hơn, thay vì kém đi, trước những “cơn gió chướng”. Nhưng liệu lập luận đó có chuẩn xác?
Có một điều chắc chắn là ở Đức, lịch sử gần đây của hoạt động kích thích tài khóa không hoàn toàn khả dĩ. Sau khi tái thống nhất đất nước vào năm 1990, Chính phủ Đức đã vay mượn và chi tiêu những khoản tiền khổng lồ để đầu tư cho công cuộc tái thiết Đông Đức cũ. Thêm nữa, lúc này đã có thêm hàng triệu người tiêu dùng từ Đông Đức được bổ sung vào nền kinh tế Đức.
Về phương diện chính trị, chính sách này thực sự đã giúp hàn gắn nước Đức. Nhưng về phương diện kinh tế, chính sách này không hẳn đã thành công. Sau một thời gian ngắn tăng trưởng mạnh, kinh tế Đức đã rơi vào những năm dài với kết quả tăng trưởng và tình hình việc làm đáng thất vọng. Thuế suất ở Đức vẫn cao, và mức sống nói chung ở khu vực phía Tây của nước này không thể tăng cùng với tốc độ của mức sống ở hầu hết các quốc gia giàu có khác.
Việc thuyết phục người dân Đông Đức cũ chi tiêu nhiều hơn hóa ra lại không quan trọng bằng việc đảm bảo rằng, những người dân này có kỹ năng để thích nghi với sự mở rộng kinh tế của đất nước. Không có gì là ngạc nhiên khi nhiều người Đức hiện nay vẫn tỏ thái độ hồ nghi về việc các khoản chi tiêu bằng tiền vay của Chính phủ, hay sự phụ thuộc thái quá vào tiêu dùng trong nước.
Trong những năm gần đây, nước Đức đã cho thấy họ đang giành lại được vị thế kinh tế vượt trội của mình. Các nhà hoạch định chính sách ở Berlin đã trở lại với các kế hoạch dài hạn, và trong suốt thập kỷ qua, họ đã thực hiện tự do hóa thị trường lao động, và cho phép chính sách tiền lương linh hoạt hơn. Mới đây, Đức còn thông qua một điều khoản sửa đổi trong hiến pháp, yêu cầu đưa ngân sách công về trạng thái gần như cân bằng vào năm 2016, đồng nghĩa với việc thâm hụt cơ cấu không vượt quá mức 0,35% GDP.
Trong bối cảnh các nền kinh tế hầu khắp châu Âu trì trệ, kinh tế Đức chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp hoạt động gần hết công suất. Nhiều công nhân của Đức thậm chí phải hoãn đi nghỉ để không bỏ lỡ cơ hội kiếm thêm tiền ở nhà máy. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức hiện là 7,5%, thấp hơn mức trên 9% ở Mỹ, và đang giảm xuống.
Không hào hứng với mô hình dân chủ xã hội của Đức, những người theo trường phái kinh tế Keynes của Mỹ đã chỉ trích kinh tế Đức phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, trong khi coi nhẹ chi tiêu và vay nợ. Tuy vậy, sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu của Đức không chỉ là kết quả của đồng Euro mất giá trị.
Phần lớn các nền kinh tế khác trong khối Eurozone hiện nay đều không có được thành công như Đức, vì họ không thực hiện những dự án đầu tư và cải cách hợp lý. Thêm vào đó, đồng Euro giờ vẫn còn mạnh hơn mức giá trị trung bình của đồng tiền chung này từ năm 2001, chứng tỏ rằng thành công gần đây của nước Đức không xuất phát từ đồng tiền giảm giá.
Trong bất kỳ trường hợp nào, hàng xuất khẩu của Đức cũng là những sản phẩm cơ khí và máy móng chất lượng cao, và những mặt hàng này có thể giúp ích cho sự phục hồi kinh tế của các quốc gia khác. Bởi thế, có thể xem là vô lý nếu những quốc gia có năng suất lao động tương đối tốt lại được khuyến nghị thay đổi chính sách vốn đã thành công, chỉ vì sự suy giảm tăng trưởng.
Chính phủ Đức giờ đang đưa ra những cam kết dài hạn đáng tin cậy để giảm nợ. Tỷ lệ nợ công so với GDP của Đức đang dao động quanh 70%, một tỷ lệ bị xem là không lành mạnh, và nước này là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới, làm dấy lên những câu hỏi về khả năng chi trả lương hưu trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn xem trái phiếu Đức là một kênh đầu tư an toàn, một phần vì Chính phủ nước này có tiếng là giải quyết nhanh và có trách nhiệm những vấn đề về tài khóa. Berlin hiện đang nỗ lực giảm chi tiêu công, mặc dù không phải là giảm chi tiêu trong những lĩnh vực quan trọng dài hạn như nghiên cứu và giáo dục.
Mặc dù vậy, giáo sư Cowen cho rằng, kinh tế Đức chưa thể được xem là hoàn hảo. Ngoài thuế suất cao và tỷ lệ sinh thấp, còn có những vấn đề khác về năng lực thanh khoản tồn tại trong các ngân hàng của Đức, đồng thời các ngân hàng này cũng có độ minh bạch không cao. Thêm vào đó, những quốc gia nghèo hơn trong khối Eurozone có thể cần tới một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hơn là một chính sách thắt chặt mà nước Đức ủng hộ.
Dù sao, quan điểm chung của người Đức vẫn là vay nợ thêm, dù là nợ công hay nợ tư, đều sẽ không giải quyết được những vấn đề này. Theo giáo sư Cowen, trên thực tế, nợ có thể đem tới những giải pháp tạm thời và như thế, trì hoãn sự giải quyết đích thực đối với vấn đề. Tăng chi tiêu công là một cách khắc phục tạm bợ cho những khó khăn nằm sâu bên trong nền kinh tế.