Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi buồn của di tích

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Di tích quốc gia chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) được tôn vinh là “đệ nhất danh lam”, tồn tại qua hơn 2.000 năm, bỗng một ngày du khách ngỡ ngàng vì những công trình tu bổ được làm mới và công trình cấy thêm che lấp mất các công trình cổ xung quanh đó. Những vi phạm trong tu bổ không chỉ xuất hiện ở chùa Đậu, mà từng là bài học trong công tác tu bổ tại nhiều di tích trước đó.

Hình ảnh Tam quan thuộc di tích chùa Đậu sau khi tu bổ. Ảnh: Linh Anh
Chùa Đậu là ngôi chùa cổ được xây dựng với quy mô tổng thể rất lớn, kết cấu theo lối “nội công, ngoại quốc”. Nghĩa là trong khuôn viên chùa, các công trình kiến trúc thờ tiền Phật, hậu thánh được bố cục giống như chữ “công”; xung quanh được quây kín bởi các cụm kiến trúc khác tạo thành hình chữ “quốc” (chữ Hán). Tuy nhiên, đến nay, vì những công trình xây mới như Tháp Quan âm, Bảo tháp Mạn đà la, Thủy đình Di lặc, Giảng đường thuyết pháp… khiến di tích cổ lọt thỏm trong sự mới mẻ hoành tráng. Nhiều người buồn vì di tích bị biến màu. Vẻ đẹp của chùa Bắc Bộ, đặc biệt là chùa Đậu, còn có tên là chùa Vua, dành cho các vua hành lễ mang nét cổ kính, rêu phong, khiêm nhường… thì nay lại phô trương, hoành tráng. Việc tu bổ các công trình Tam quan, Tháp chuông, nhà Hữu mạc… để giữ gìn di sản cha ông, nhưng không có nghĩa được phép làm mới bằng màu sơn xám. Di tích hơn 2.000 tuổi bị trẻ hóa vì những công trình cấy thêm, công trình tu bổ thuộc về lỗi của người trông giữ di sản và người làm công tác tu bổ.
Ở Việt Nam nói chung cũng như ở Hà Nội nói riêng, bài học về việc làm mới, phá hỏng di sản ngàn tuổi của cha ông để lại không chỉ mới xuất hiện lần đầu ở chùa Đậu. Mà trước đó, tiếng kêu cứu của chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng từng khiến dư luận gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Nhiều hạng mục, trong đó có gác Khánh, nằm trong quần thể chùa Trăm Gian được xây dựng thế kỷ XVII - XVIII được phá bỏ, dựng mới. Bao nhiêu nét kiến trúc hoa văn trên cột, kèo, chân đá tảng mang vẻ đẹp nghệ thuật thời Lê đã không được giữ lại, bị vứt bỏ trong kho gỗ. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã phải ra sức phối hợp với cơ quan chức năng chuyên ngành tìm cách cứu di sản sau khi… sự đã rồi. Hay ngôi đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, đặc trưng cho kiến trúc đình làng Bắc Bộ. Ngôi đình 300 tuổi biến thành đình 1 tuổi nhờ đổi từ chất liệu gỗ sang chất liệu bê tông cốt thép. Đến khi báo chí vào cuộc, các cơ quan chức năng mở những cuộc hội thảo nhằm tìm cách tháo gỡ cho những vi phạm. Nhưng hạ giải sai quy trình, cấu kiện giá trị không được gìn giữ, bảo quản thì việc cứu đình là không thể. Chính vì vậy, hình ảnh ngôi đình cổ kính nằm sát quốc lộ 21B năm nào giờ đã là ngôi đình mới.

Còn rất nhiều bài học đau lòng nữa liên quan đến vi phạm trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản. Nhưng rồi, sau mỗi sự việc có cán bộ bị kiểm điểm, khiển trách; có những địa phương lờ đi trách nhiệm, không ai mắc án phạt. Cũng phải thừa nhận rằng, nhiều khi chính quyền gặp khó, vì vi phạm lại thuộc trách nhiệm của sư trụ trì - thuộc trách phận quản lý của Hội Phật giáo. Khi bên này không nói được bên kia, sư trụ trì vi phạm nhận lỗi xong vẫn yên vị trí, nên vi phạm này lại tiếp nối vi phạm khác, di sản cứ dần dần đội nón ra đi. Những người yêu quý di sản của cha ông khẩn thiết đề nghị có chế tài xử lý mạnh tay hơn với các cá nhân để xảy ra vi phạm, nhưng vẫn chưa có chế tài nào được xem là đủ sức răn đe.