Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nới cho vay ngoại tệ: Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ với nhiều quy định mở hơn trước.

Việc gia hạn thêm cho vay ngoại tệ (so với hiện nay chỉ có thời hạn đến 31/12/2018) sẽ giúp DN xuất nhập khẩu không phải lo chi phí vay vốn đội lên.
Doanh nghiệp “thở phào”

Theo đó, cho vay ngắn hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019. Với cho vay trung hạn thì được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019. Với cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu được thực hiện không giới hạn về thời gian. Với tất cả nhu cầu vay trên, khách hàng vay phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất kinh doanh để trả nợ vay.
 Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank Hà Nội.   Ảnh: Thanh Hải
NHNN lý giải việc dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với vay ngoại tệ nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Thông tin trên khiến giới DN “thở phào” vì nếu chính sách cho vay ngoại tệ không được thực hiện tiếp, chi phí vay vốn của DN sẽ tăng lên đáng kể. Hiện lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm, tùy kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường bằng VND ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn và từ 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Chính vì vậy khi được vay ngoại tệ, các DN đang được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất cho vay USD/VND. Điều này đồng nghĩa với việc DN có thể vay ngoại tệ với lãi suất thấp rồi bán lấy tiền đồng để mua các nguyên liệu trong nước, máy móc thiết bị. Sau đó, DN lại xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ để trả nợ ngân hàng.

Không trái với chủ trương hạn chế đôla hóa

Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình với quan điểm của NHNN nên gia hạn chương trình vay ngoại tệ.

"Cần kiên định chủ trương chống đôla hóa nền kinh tế, song tinh thần là không nên chống đôla hóa bằng mọi giá. Vừa chống đôla hóa nhưng đồng thời vừa phải tạo điều kiện hỗ trợ DN, đặc biệt là trong chiến lược hội nhập quốc tế hiện nay. Với việc kiểm soát khá tốt tỷ giá trong gần 3 năm qua, niềm tin vào tiền đồng đã được củng cố, lượng dự trữ ngoại hối cũng đã tăng lên đáng kể và lực đầu cơ ngoại tệ cũng đã triệt tiêu dần. " - TS Cấn Văn Lực


Theo thống kê của NHNN, những tháng đầu năm 2018, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây, chủ yếu do tỷ giá ổn định, dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi do lãi suất ngoại tệ thấp hơn so với lãi suất vay VND.

“Định hướng chung và lâu dài vẫn tiếp tục hạn chế kênh tín dụng này, theo lộ trình từng bước chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán. Nhưng nếu các DN xuất khẩu không còn được hưởng vốn giá rẻ nhờ việc vay USD thì rất khó để tiết giảm chi phí lãi vay. Điều này dẫn tới hệ quả là hàng hóa Việt khó có thể cạnh tranh được so với các đối thủ nước ngoài” - ông Hiếu bày tỏ.

Đại diện một DN xuất khẩu nông sản ở Hà Nội nói: “Năm 2016, thời điểm NHNN ngừng cho vay ngoại tệ, với nhu cầu vốn khoảng 8 triệu USD/tháng, công ty đã chuyển sang vay VND với lãi suất 6 - 8%/năm, đẩy chi phí vay lãi lên 2,4 tỷ đồng, trong khi vay USD với lãi suất 3%/năm tiền lãi chỉ 800 triệu đồng. Vì thế, các DN có nguồn thu ngoại tệ thường tìm kiếm các khoản vay ngoại tệ để giảm chi phí tài chính".

NHNN cho biết, chính sách cho vay đối với nhu cầu này hoàn toàn không trái với chủ trương hạn chế đôla hóa của Chính phủ và NHNN. Lý do là cấu trúc và cách thức cho vay đối với nhu cầu này không tạo ra bất kỳ hiện tượng đô la hóa nào đối với nền kinh tế (ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng). Dự thảo cũng nêu hướng quy định chi tiết hơn một số điểm thực hiện trên thực tế, theo hướng giám sát chặt nguồn ngoại tệ vay và trả, để quản lý và hạn chế "yếu tố ảo" cung - cầu liên quan đến tỷ giá, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho DN giao dịch mua - bán ngoại tệ… “Quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN đi vay, nhưng quy định ngân hàng đã cho vay phải có trách nhiệm bán ngoại tệ khi khách hàng có nhu cầu mua nhằm bắt buộc ngân hàng phải thẩm định kỹ khi quyết định cho vay”- dự thảo của NHNN nêu rõ.