Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nối nhịp cầu tri ân

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) là ông Nguyễn Tiến Xuân (81 tuổi) ở xóm Chợ, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức lại ngày đêm mong ngóng thông tin về mộ phần của anh trai là liệt sĩ thời chống Pháp.

Cứ nghe tin ở đâu có người trùng tên, trùng quê, trùng đơn vị là ông tất tả khăn gói lên đường. Và những lần ngược xuôi tìm mộ anh trai đã đưa ông đến hành trình “cầu nối” cho các gia đình liệt sĩ ròng rã suốt 11 năm qua.
11 năm thầm lặng đi cóp nhặt thông tin

Một ngày tháng Bảy, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Tiến Xuân ở đầu xóm Chợ. Trong căn phòng nhỏ, đồ đạc đơn sơ, điểm thu hút ánh nhìn của chúng tôi là hàng trăm lá thư cùng chiếc radio cũ kỹ và những cuốn sổ đã bạc màu được xếp gọn gàng, ngăn nắp trên bàn làm việc, bên cạnh là bàn thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và anh ruột là liệt sĩ.
 Ông Nguyễn Tiến Xuân bên chồng thư báo mộ liệt sĩ. Ảnh: Hà Linh
Thắp cho mẹ và anh trai nén nhang thơm, ông già có mái tóc trắng như cước, nụ cười hồn hậu cùng giọng nói sang sảng đưa chúng tôi trở về những câu chuyện thấm đẫm hoài niệm của quá khứ. Nhớ lại ngày nhận giấy báo tử của anh trai, ông Xuân nghẹn ngào nói: “Gia đình tôi có hai người anh là liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, trong đó có một người đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần. Từ ngày đó, cứ chiều chiều, tôi lại mong thư ai đó báo tin anh tôi được chôn cất ở đâu” - ông kể. Thấu hiểu nỗi đau, đồng cảm với biết bao người cũng đang ngày đêm ngóng trông tin người thân như mình nên 11 năm nay, ông Xuân đã coi công việc viết thư báo mộ liệt sĩ, tìm kiếm hài cốt đồng đội, đưa họ trở về với thân nhân là nhiệm vụ của mình. "Tôi làm để thay lời cảm ơn tới những chiến sĩ đã “che bom, chắn đạn” cho mình còn sống đến ngày hôm nay” – ông Xuân chia sẻ.

Nhìn về phía chiếc radio cũ, ông Xuân kể: "Năm 2007, khi nghe thông tin về những người hy sinh vì Tổ quốc, phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi thấy nhiều liệt sĩ vẫn chưa có thân nhân đưa hài cốt về quê hương khói. Vì phát trên đài nên cũng còn nhiều gia đình liệt sĩ không nghe được. Vì thế, tôi quyết định ghi lại các thông tin, rồi viết thư gửi tới Chủ tịch UBND các xã đó, thông báo cho thân nhân biết phần mộ của liệt sĩ đang nằm ở đâu, an táng tại nghĩa trang nào". Có những khi ông phải nghe đi nghe lại mới ghi được đầy đủ thông tin. Sau này, khi có điện thoại, ông đã ghi âm chương trình trên đài và nghe lại từ điện thoại để ghi chép thông tin cho chính xác. Khi gửi thư, ông kèm theo số điện thoại cá nhân và địa chỉ của mình để người thân các liệt sĩ tiện liên lạc. Mỗi tháng, 250 lá thư được ông gửi đi khắp mọi miền của Tổ quốc, nhiều nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình...

Và niềm vui, niềm hy vọng đến với ông cứ thế nhân lên khi những lá thư hồi âm của UBND các xã và thân nhân liệt sĩ báo tin đã nhận được thông tin, các gia đình phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức đi thăm viếng và đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Nhận được thư của các địa phương và thân nhân liệt sĩ, ông Xuân lại cặm cụi viết thư báo tin tới Đài Tiếng nói Việt Nam để thông báo trên sóng phát thanh. Không chỉ gửi thư qua đường bưu điện, ông còn là người chuyên cung cấp thông tin mộ liệt sĩ qua điện thoại. Đặc biệt, ông còn chăm lo phần mộ của những gia đình do điều kiện kinh tế khó khăn không thể tìm đến, họ gọi điện nhờ ông thắp nén hương cho người thân.

Nhân lên niềm vui

Với ông Xuân, 11 năm tâm huyết với việc ghi chép thông tin liệt sĩ, tập danh sách của ông đã dày lên theo thời gian. 11 cuốn sổ cũ kỹ là thành quả sau 11 năm ông dày công vun đắp, chăm chút thông tin về các liệt sĩ. Khi biết việc làm của ông, Ban biên tập bản tin đã gửi thư động viên, cảm ơn ông về việc làm tự nguyện mang ý nghĩa cao cả và gửi thông tin về liệt sĩ đã được phát bằng văn bản để ông tiện theo dõi. Thông tin về 17.000 liệt sĩ được lưu lại cũng là con số bức thư mà ông Xuân đã viết và gửi đến các địa phương nhờ chính quyền chuyển đến tận tay thân nhân các liệt sĩ. Sau mỗi lần gửi thư đi là mỗi ngày ông nhận được tin tốt. Đó là chuỗi dài những cuộc điện thoại cảm ơn vì nhờ có ông, nhiều gia đình đã tìm được người thân của mình, dù cũng có nhiều trường hợp ông viết thư đi, mấy năm sau mới có hồi âm.

Lần giở những cuốn sổ ghi chép danh sách liệt sĩ đã ngả màu theo thời gian, ông Xuân chỉ cho chúng tôi những cái tên liệt sĩ đã từng được ông gửi đi theo các địa chỉ, đánh dấu thư gửi đi bao nhiêu lần và ghi chú thật kỹ những tên liệt sĩ đã tìm được. Ông tâm sự: “Mỗi lần biết thêm liệt sĩ đã tìm được thân nhân, tôi vui lắm nhưng khi nhìn vào danh sách tên liệt sĩ hay đến những ngôi mộ vô danh, lòng tôi lại cảm thấy đau nhói. Không biết những bức thư không có hồi âm, những ngôi mộ vô danh kia đến bao giờ mới tìm được về với gia đình, quê hương. Tôi tự nhủ bằng mọi cách phải đưa các anh về với nơi chôn rau cắt rốn”.

Suốt 11 năm cần mẫn làm công việc nghĩa tình ấy, ông Nguyễn Tiến Xuân đã viết 17.000 lá thư báo mộ liệt sĩ cho những người chưa hề quen biết. Đến nay, đã có 276 liệt sĩ sau bao năm xa cách nơi đất khách quê người, đã được người thân đưa về quê hương.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi luôn bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại gọi cho ông để xác minh thông tin liệt sĩ, có khi là nhầm tên, nhầm dấu. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về trường hợp gia đình bà Đặng Thị Dung là con của liệt sĩ Đặng Đình Lân (Đông Hưng, Thái Bình). Sau bao năm tháng lặn lội đi tìm hài cốt của bố nhưng không được, đến khi nhận được thư của ông Xuân tháng 5/2009, bố của bà Dung đã được tìm thấy ở nghĩa trang Lục Ngạn, Bắc Giang và đã về với quê cha đất tổ. Trong thư cảm ơn, bà Dung xúc động viết: “Gia đình cháu khi tìm được mộ, lúc đến nghĩa trang, không ai bảo ai, thấy tên người thân, đã gục đầu xuống khóc…”.

Với suy nghĩ giản đơn rằng, các liệt sĩ là con đẻ của Nhân dân và con nuôi của quân đội, “cha sinh, mẹ dưỡng”, phải có trách nhiệm đi tìm những đứa con của mình còn lưu lạc ở đâu đó, đưa họ về với quê hương bản quán, năm 2017, ông đã gửi thư và muốn bàn giao lại danh sách các liệt sĩ đã tìm được cho Bộ Quốc phòng và mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, để họ được trở về với vòng tay của người thân.

Nhìn sang tập giấy A4 dày cộp, ông Xuân bảo, đây là danh sách 30.000 liệt sĩ mà ông cùng người cháu đã tìm được năm 2018 thông qua các trang web trên internet. Trong số đó, ông đã báo được 2.000 liệt sĩ. Mong muốn của ông là làm nhiều hơn nhưng viết không xuể vì quá nhiều. Riêng nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị đã có 12.000 liệt sĩ. Ông Xuân dự định, trong 4 - 5 năm tới, khi đã in được 100.000 liệt sĩ, ông sẽ mở một phòng lưu giữ các danh sách liệt sĩ, sẽ thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng để cho các gia đình liệt sĩ có thể liên hệ với ông tìm liệt sĩ trên sổ sách trước, tránh tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc.

Nói đến đây, bỗng dưng mắt ông đỏ hoe khi nhìn về phía tấm ảnh của anh trai, người anh mà cả gia đình ông vẫn đang mong ngóng từng ngày. “Nghe bảo, anh đang nằm ở một nghĩa trang nào đó ở huyện Thanh Oai, nhưng vì không có kỷ vật nên khó xác định tên tuổi. Bởi lẽ đó, cả gia đình đến giờ vẫn miệt mài trông ngóng. Tôi mong các gia đình liệt sĩ kiên trì chờ đợi bởi Nhà nước, bộ đội ta vẫn đang ngày ngày tìm kiếm các liệt sĩ” - ông Xuân chia sẻ.