Nới room tín dụng - tiếp “oxy”cho doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% được xem là động thái tích cực, kịp thời xoa dịu “cơn khát” vốn của DN trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, để chính sách phát huy tác dụng, nguồn vốn phải đến đúng đối tượng, tránh cào bằng.

Xoa dịu cơn khát vốn

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thực phẩm sạch, Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green đang phải tăng tốc gia tăng sản lượng lên 30% nhằm đáp ứng nhu cầu bùng nổ của thị trường dịp cuối năm. Theo ông Nguyễn Văn Chữ - Chủ tịch HĐQT Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green, đáp ứng được đơn hàng cuối năm, DN cần một lượng vốn lớn để thu mua nguyên liệu. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng có ý nghĩa rất lớn với DN, giúp DN kịp thời có thêm nguồn vốn trả cho các đối tác trong chuỗi.

DN đang cần thêm vốn để mở rộng sản xuất dịp cuối năm
DN đang cần thêm vốn để mở rộng sản xuất dịp cuối năm

Cũng khấp khởi vui mừng vì thông tin nới room tín dụng, Giám đốc Công ty TNHH giày Hồng Phúc, ông Trần Quang Phú bày tỏ: Việc nới room tín dụng là điều DN rất mong đợi. Vì thời gian qua dù hạn mức được ngân hàng cấp mới sử dụng 60 - 70% nhưng nhiều ngân hàng lấy lý do cạn room tín dụng đã ngừng giải ngân. Việc này khiến DN lâm vào cảnh không có vốn dù đang bước vào mùa cao điểm cuối năm. “Thời điểm này, DN được tiếp thêm vốn giống như “nắng hạn gặp mưa rào”. DN sẽ có thêm tiền trả lương, thưởng cho công nhân dịp cuối năm và có vốn nhập nguyên liệu sản xuất cho đơn hàng đầu năm 2023” - ông Phú cho hay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đối với DN, nguồn vốn rất quan trọng. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, nguồn vốn càng trở nên cần kíp để DN kinh doanh hàng tết nhập hàng, xoay vòng. Ngoài ra, DN còn cần tiền để giải quyết công nợ với đối tác, trả lương, thưởng Tết cho công nhân. Vì vậy, việc nới room lúc này đúng nghĩa là việc “bơm oxy” cho DN.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc nới room tín dụng ở thời điểm này chủ yếu phục vụ nguồn vốn lưu động cuối năm cho các DN, chứ không phải để phục vụ dự án đầu tư hay bất động sản. “Không chỉ có tác dụng “bơm oxy” cho DN, những nguồn vốn này còn có ý nghĩa tạo đà cho nền kinh tế vận hành thuận lợi trong năm 2023. Vì nếu hạn mức tín dụng được mở ra vào năm 2023, sẽ rất khó khởi động lại cỗ máy đã đứng bánh trong suốt một thời gian dài” – PGS.TS Thịnh phân tích.

Đề phòng “con dao 2 lưỡi”

Việc được nới room tín dụng là tin vui với DN, giúp giải cơn khát vốn dịp cuối năm. Tuy nhiên, nhiều DN lại lo ngại, đây cũng giống như “con dao 2 lưỡi”. Bởi ngoài khan hiếm nguồn vốn, một mối lo khác của DN khi vay vốn là lãi suất, nhất là khi lãi suất đang chịu áp lực tăng trên toàn cầu.

Chia sẻ những khó khăn thực tế của DN, Chủ tịch HĐQT Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết, hiện nay DN đang phải đối diện với 3 khó khăn: Thứ nhất là giá nguyên liệu đầu vào tăng. Nếu như trước kia giá khô đậu nhập vào 23 triệu/tấn thì nay tăng lên 26 triệu đồng/tấn. Tiếp đến là giá đầu ra sản phẩm giảm mạnh. So với cùng kỳ năm 2021, thời điểm này giá lợn hơi, trâu, bò xuất chuồng giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng tăng cao đang là gánh nặng với DN. Nếu như trước lãi suất đi vay chỉ từ 6 - 7%, thì nay tăng gần gấp đôi.

“Với DN, một đồng vốn cũng quý. Nhưng với mức lãi suất vay hiện nay, DN vay cũng dở mà không vay cũng chết. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách kìm lãi suất không tăng cao và hoạt động cho vay được thông thoáng, dòng tiền được lưu thông để hoạt động sản xuất được đảm bảo và người lao động vẫn có việc làm” - ông Chữ kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Công ty TNHH dược Thiên Hà nêu quan điểm, việc nới room tín dụng trong bối cảnh lãi suất cao giống “con dao 2 lưỡi”. Nếu DN làm ăn tốt thì có thể sinh lời, có khả năng quay vòng trả vốn cho ngân hàng. Nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc mở rộng đầu tư gặp rất nhiều rủi ro, lợi nhuận không đủ bù lãi suất đi vay. “Cùng với việc nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét hạ lãi suất vay. Trên thực tế, nhiều DN dù khát vốn nhưng cũng cân nhắc không dám đi vay, vì lợi nhuận thu được không đủ bù đắp cho mức lãi suất này” - ông Hà chia sẻ.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc nới room là cần thiết, song phải đúng đối tượng, cần tập trung vào các DN sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp đang có đơn hàng… để DN lo nguyên liệu, lương thưởng cho người lao động. Trong đó, cần nới cho các DN có thanh khoản, có dòng tiền tốt, dòng tiền về ổn định ít nhất trong 3 tháng qua, ưu tiên cho các DN sản xuất hàng tết, đang có thị trường, đơn hàng và công nhân có việc làm. Ngoài ra, cần ưu tiên tăng room cho các ngân hàng đang có chính sách lãi suất tốt, còn với những ngân hàng có lãi suất quá cao dù có nới room cũng không hấp dẫn với DN, chưa chắc DN đã đi vay.

 

Năm 2023, dư âm của biến động tỷ giá còn tiếp tục kéo dài, với nhiều dự báo về lãi suất cho vay của đồng Việt Nam sẽ tăng thêm. Bên cạnh đó, giá nguyên phụ liệu vẫn duy trì ở mức cao do giá xăng dầu có xu hướng tiếp tục biến động tăng. Vì vậy DN cần bảo đảm khả năng thanh toán cho các hoạt động, tận dụng tối đa room tín dụng để thương lượng với tổ chức tín dụng nhằm có ưu đãi về lãi suất. Cùng với đó, DN cần nâng cao năng lực quản trị nội bộ và quản trị dòng tiền để tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, gia tăng biên lợi nhuận.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh