Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng phần tranh luận về 20 tỷ đồng chi cho nguyên Kế toán trưởng PVN

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/3, luật sư đã tiến hành hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 20 tỷ đồng của bị cáo Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, kiêm trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN.

Ngày 21/3, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tiếp tục diễn ra.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (phải) và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại tòa.
Theo cáo trạng, trên cơ sở kết quả điều tra đủ căn cứ xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2009 - 2013, bị cáo Quỳnh đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN số tiền 20 tỷ đồng. Số tiền này được lấy từ nguồn tiền do Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank chỉ đạo chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền vào OceanBank.

Tại tòa, bị cáo Quỳnh cho biết, sau khi chuyển từ OJB (OceanBank) về PVN thì bị cáo Sơn khai có đưa tiền cho Quỳnh. Trong giai đoạn này, bị cáo Quỳnh xác nhận có nhận tiền khoảng 10 lần và Sơn đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu chứ không tính toán, đòi hỏi. “Anh Sơn đưa tiền cho tôi hoàn toàn trên cơ sở không có sự bàn bạc, tính toán. Ở giai đoạn này, anh Sơn đều nói là quà biếu và không nói bao nhiêu tiền...”, bị cáo Quỳnh khai.

Theo bị cáo Quỳnh, với số tiền 20 tỷ đồng nhận từ Sơn thì ngoài việc chia cho nhân viên còn sử dụng vào mục đích cá nhân. Khi nhận tiền đều hiểu là của Sơn cho chứ không phải tiền chăm sóc khách hàng của OceanBank nên không có trách nhiệm đưa cho ai trong PVN. Còn đối với việc gửi tiền của PVN tại OJB, bị cáo Quỳnh cho biết đều thực hiện theo quy chế quản lý tiền mặt và do HĐTV PVN ban hành. Căn cứ vào ý kiến của chuyên viên và đối chiếu với quy chế quản lý của PVN thì Quỳnh phê duyệt nội bộ rồi trình Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc được ủy quyền. Sau khi có phê duyệt thì Quỳnh chỉ đạo chuyên viên kế toán chuyển cho OJB. Ngoài ra, bị cáo Quỳnh còn cho biết không có căn hộ và cũng không mua căn hộ nào ở Star City.

Được đối chất tại tòa, bị cáo Sơn cho biết, quá trình mang tiền cho Quỳnh thì có lần đưa 2 tỷ đồng và lần 3 tỷ đồng. Theo bị cáo Sơn, thời điểm làm Tổng Giám đốc OJB có chịu trách nhiệm chăm sóc và quan hệ với các khách hàng đặc biệt. Sau khi từ OJB về PVN thì bên OJB vẫn tiếp tục chăm sóc khách hàng PVN. “Mỗi lần chi tiền tôi đều nói là chi bao nhiêu dù Quỳnh không đòi hỏi. Giai đoạn làm Tổng Giám đốc OJB có đưa cho Quỳnh từ 30 - 40 tỷ đồng trong 2 năm và mỗi lần đưa 5 tỷ đồng...”, bị cáo Sơn cho hay.

Liên quan đến vấn đề này ông Hà Văn Thắm cho biết, không trao đổi với bị cáo Sơn về việc mua nhà cho Quỳnh tại Star City. Trên thực tế chỉ nhớ bị cáo Sơn có nhờ chuyển hợp đồng bán căn hộ tại Star City. Sau đó bị cáo Sơn sử dụng như thế nào thì không rõ.

Về chính sách chăm sóc khách hàng của OJB với các khánh hàng DN, ông Thắm cho biết, đó là chính sách của OJB với tất cả các khách hàng. Thực tế, do xác định PVN là cổ đông nên sẽ trả thấp hơn các khách hàng khác. “Chúng tôi xác định PVN gửi tiền nhiều và là đối tác chiến lược nên chính sách không thể coi như người ngoài. Nếu tính chi li về số lượng tiền mà OJB chi cho PVN thì luôn giao động trong khoảng 1%/năm bởi lượng tiền anh Sơn lấy để chi chăm sóc khách hàng luôn là số tiền chẵn và đa phần 5 tỷ đồng...”, ông Thắm nói.

Cũng theo ông Thắm, số tiền gửi của PVN vào OJB rất hiệu quả. Số tiền này không chi cho những người phê duyệt bởi chính sách là chi cho PVN chứ không chi cho bất kỳ cá nhân nào. Còn đối với việc bị cáo Sơn khai đã nộp tiền cho Quỳnh vì là người quản lý ngân sách và để sau đó sử dụng vào những việc chung của PVN (ngoại giao, đối ngoại..) thì ông Thắm tin như vậy, còn nếu không thì nằm ngoài tầm kiểm soát.

“Khi đó, các ngân hàng có chính sách nhằm chống lạm phát cho nên trần lãi suất được áp dụng trong thời gian tạm thời đó thấp hơn và không đảm bảo hiệu quả cho khách hàng gửi tiền. Vì vậy, các ngân hàng phải có chính sách trả cao hơn trần lãi suất để huy động vốn, đảm bảo cho vay với lãi suất cao hơn và có lãi nên phải bù cho khách hàng để đảm bảo tiền gửi cho khách hàng, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng và đảm bảo lợi ích cần thiết cho khách hàng...”, ông Thắm phân tích.