Giọng ca tình cảmNSND Trung Kiên là một trong những danh ca thuộc thế hệ vàng của nền ca nhạc nước nhà từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Trong suốt chặng đường chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, trong chương trình biểu diễn ca nhạc, từ thu thanh đến truyền hình, NSND Trung Kiên là một trong những nghệ sĩ đã thể hiện nhiều bài hát, giúp ca khúc trở nên phổ biến.NSND Quốc Hưng - Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, một trong những người học trò gần gũi của NSND Trung Kiên, xúc động nhớ lại: “Thầy mệt cũng khá lâu rồi, nhưng thầy vẫn đi dạy. Mới đây, khi sinh viên ở trường chuẩn bị thi cuối kỳ, thầy bị đột quỵ và nằm viện từ hôm đó. Thầy đã dạy, truyền đạt cho học trò đến hơi thở cuối cùng”. NSND Thanh Hoa cũng không giấu được đau buồn: "NSND Trung Kiên là người thầy đáng trân trọng, các thế hệ nghệ sĩ phải noi theo. Ở ông hội tụ đầy đủ tố chất mà một nghệ sĩ chân chính cần có”. Được NSND Trung Kiên dìu dắt đi tới thành công, NSƯT Đăng Dương bồi hồi: “Được học NSND Trung Kiên từ năm 1995, với tôi ông không chỉ là một người thầy mà còn là người cha thứ 2. Trong sự nghiệp âm nhạc và cả trong đời sống, NSND Trung Kiên đóng một vai trò lớn, mang lại sự thành công cho tôi ngày hôm nay”.Theo nhìn nhận của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, NSND Trung Kiên cùng NSND Trần Hiếu, NSND Quý Dương là những nghệ sĩ cùng thế hệ, bộ ba nổi tiếng khắp đất nước với giọng hát đã trở thành thân thuộc với nhiều thế hệ. “Trước đây, khi tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần mở Đài Tiếng nói Việt Nam lên là lại được nghe thấy chất giọng tenor cao, bay, sáng của ông. Một giọng hát có chất khỏe mạnh, cương quyết, anh hùng, nhưng cũng rất tình”.Một cuộc đời đẹpDù không theo dòng nhạc cổ điển như nghệ sĩ Trung Kiên, nhạc sĩ Quốc Trung (con trai của NSND Trung Kiên) thừa hưởng tình yêu âm nhạc từ bố. Sau khi Quốc Trung và Thanh Lam chia tay, nghệ sĩ Trung Kiên và vợ ông - bà Thu Hà nuôi dạy hai cháu. Bà Thu Hà dạy đàn piano cho Đăng Quang trong khi ông Trung Kiên dạy Thiện Thanh thanh nhạc.Trước sự ra đi của NSND Trung Kiên, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Cảm ơn bố đã mang con đến cuộc đời này. Cảm ơn bố đã dành cho con và hai cháu Thiện Thanh và Đăng Quang một tình yêu vô bờ bến. Nguyện vọng vun đắp hạnh phúc cho Xiu (biệt danh của Thiện Thanh) của bố đã được thực hiện để bố yên tâm lên một hành trình mới. Bố đã có cuộc đời đẹp mà con tự hào được là một phần trong đó. Sau này, ở một nơi nào đó, con ước được gặp lại bố để gọi bố yêu quý của con một lần nữa”.Nghe tin buồn, Trần Hiếu cho biết lần cuối ông gặp Trung Kiên là khi chấm thi kết thúc học kỳ một cho sinh viên nhạc viện cách đây ba tháng. Khi ấy, nghệ sĩ vẫn khỏe mạnh, hào hứng bàn luận về đề thi, chất lượng học tập của sinh viên. Tháng trước, nghe tin bạn bị tai biến mạch máu não, Trần Hiếu định qua thăm nhưng lại bị tai nạn, chưa kịp tới. Trần Hiếu và Trung Kiên gắn bó với nhau từ thời đi hát trong phong trào thanh niên Hà Nội. Hai người hợp tính, yêu âm nhạc nên có thể trò chuyện cả ngày không dứt. Trần Hiếu có chất giọng nam trầm, còn Trung Kiên giọng ca tenor (nam cao), mỗi khi hát chung, cả hai bổ trợ, bè phối nhịp nhàng. “Tam ca 3C tức ba cụ mà giờ hai cụ Quý Dương, Trung Kiên đều đi rồi. Cả một đời ông ấy tận hiến cho âm nhạc cũng coi như không còn gì tiếc nuối. Hy vọng kiếp sau, ba chúng tôi sẽ gặp lại và cùng hát với nhau” - nghệ sĩ Trần Hiếu chia sẻ.
NSND Trung Kiên (tên đầy đủ là Nguyễn Trung Kiên) sinh năm 1939 tại Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ông từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ VH&TT. Trong suốt nhiều năm, ông là giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, dìu dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ, bao gồm những gương mặt gạo cội như NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Tạ Minh Tâm, NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương... Tên tuổi ông gắn liền với nhiều ca khúc như “Đất nước trọn niềm vui”, “Tình ca”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”. |