Cuộc họp giữa các văn nghệ sĩ vốn là người của Hãng và nhà đầu tư (Công ty Vận tải thủy VIVASO - cổ đông chiến lược) sau hơn 2 tháng cổ phần hóa đã càng cho người ta thấy rõ những giọt nước mắt cổ phần hóa đau đớn...
Hãng phim truyện Việt Nam ra đời cách đây 60 năm, từng làm 400 bộ phim truyện, giành 30 giải thưởng trong nước và quốc tế. Hãng phim là cái nôi của điện ảnh Việt, là thương hiệu lớn nhất và duy nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Điều đó mọi người đều thừa nhận. Nhưng rồi tất cả những hào quang của "Chung một dòng sông", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Ngày lễ Thánh", "Nổi gió"… và 60 năm lao động nghệ thuật của hàng nghìn cán bộ không là gì với hơn 5.000m2 đất vàng ven hồ Tây nơi Hãng đặt trụ sở, không chống đỡ nổi cơn bão cơ chế thị trường và thị hiếu người xem thay đổi.
|
Các nghệ sĩ làm việc trong Hãng phim truyện Việt Nam đã gặp mặt báo chí bày tỏ bức xúc. |
Suốt nhiều năm, Hãng phim trở thành gánh nặng của ngành văn hóa. Không có việc làm, nhà cửa, đạo cụ xuống cấp, chỉ còn cái bóng ngày xưa và miếng đất vàng từ thời bao cấp. Rao bán mãi với tư cách một hãng phim truyện thì không ai mua, người ta chỉ mê hơn 5.000m2 đất nơi cơ quan đang đóng để làm rạp chiếu phim, chung cư, công viên điện ảnh. Còn thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam thì chẳng qua là “bia nộm lạc” thời bao cấp, buộc phải mua kèm. Mãi rồi cũng có nơi mua với giá trị thương hiệu 0 đồng, chỉ có hơn 5.000m2 đất là có giá. Người mua cũng tự nhận không hiểu gì về nghệ thuật điện ảnh, chỉ biết kinh doanh điện ảnh. Và ngay từ đầu, họ đã triển khai kế hoạch kinh doanh: Đi làm 8 giờ/ngày mới được trả lương, lương phân theo cấp bậc cao thấp; dọn kho đạo cụ và phòng kịch bản để lấy mặt bằng làm việc khác... Bao nhiêu năm không có một phim hay đóng vai nào, nhưng vẫn là đạo diễn, diễn viên nổi tiếng, cán bộ kỹ thuật bậc cao, lương vẫn lĩnh, giờ làm việc có định mức, không làm không hưởng; một mớ kịch bản bỏ thì thương vương thì tội, nhưng vẫn là tài sản quốc gia, không được đụng vào, hỏi ai không phản ứng? Người ta cho rằng thực chất việc cổ phần hóa chỉ là mua đất Nhà nước giá rẻ.
Trong cuộc gặp mặt giữa VIVASO và nghệ sĩ chiều 19/9, cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim khẳng định cổ phần hóa không đưa Hãng vượt qua giai đoạn khó khăn; nhiều cam kết của nhà cổ đông chiến lược như đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp, đảm bảo mức lương theo quy định của Nhà nước không được thực hiện. VIVASO chưa đưa ra một chiến lược phát triển điện ảnh cho Hãng, nhưng lại có nhiều hành động xáo trộn cơ sở vật chất tại số 4 Thụy Khuê. Phía nhà đầu tư thì khẳng định, họ kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có phim ảnh. Thời điểm ngân sách hạn hẹp, phim đặt hàng gần như không có, cạnh tranh thị trường khó khăn hiện tại, nhà đầu tư chiến lược đưa ra kế hoạch: Nếu Bộ VHTT&DL và TP Hà Nội cho phép, Công ty mong muốn biến trụ sở Hãng phim thành các rạp chiếu.
Như thế đã rõ, một công ty kinh doanh theo cơ chế thị trường đụng độ với một nhóm nghệ sĩ quen sống trong bao cấp. Một đằng kinh doanh điện ảnh, một đằng chỉ biết có điện ảnh, không cần biết đến thị trường. Sự đụng độ ấy là không thể hòa giải và không trách ai được. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, không thể có những người, dù là ai, sống bám vào sự bao cấp của Nhà nước, ngược với xu thế chung; song cũng không thể xóa trắng một cơ chế đã làm nên không ít vinh quang. Cần điều chỉnh lại cách nghĩ của cán bộ, đạo diễn, diễn viên Hãng phim, song cũng cần xem Bộ VHTT&DL và các cơ quan cấp trên của Bộ có thực hiện đúng pháp luật, có nóng vội, có tính đến những đặc thù khi cổ phần hóa một cơ sở đã từng tồn tại 60 năm, đã mang về không ít vinh quang cho nước nhà hay không. Đề nghị của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trong buổi làm việc chiều 21/9 có lẽ là một yêu cầu hợp lý lúc này. Đó sẽ là điểm bắt đầu để tìm ra đường hướng làm dịu đi sự mặn mòi của giọt nước mắt cổ phần hóa nơi này.