Theo hãng tin AP, đoạn video trên thu hút sự chú ý sau khi được tỷ phú công nghệ 53 tuổi chia sẻ trên mạng xã hội X tối 26/7. Video được làm giống như một đoạn quảng cáo chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Harris, song có nội dung mang tính đả kích phó tổng thống Mỹ, Tổng thống Joe Biden và đảng Dân Chủ.
Đáng chú ý, video có giọng nói dẫn dắt giống hệt giọng nói của bà Kamala Harris. Song trên thực tế, đây hoàn toàn là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.
Sự can thiệp của AI
Video hiện có hơn 127 triệu lượt xem, 924.000 lượt thích cùng 213.000 lượt đăng lại trên X. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về cách những hình ảnh, video hoặc âm thanh được trí tuệ nhân tạo (AI) dựng nên, với chất lượng sống động như thật, có thể bị lợi dụng cho các động cơ chính trị giả mạo, trong bối cảnh Mỹ đang tiến gần tới kỳ bầu cử tổng thống.
Chuyên gia pháp y kỹ thuật số Hany Farid từ Đại học California cơ sở Berkeley (Mỹ), nhận định AI đang ngày càng tốt lên trong việc mô phỏng giọng nói của người khác. Do đó, các công ty chuyên cung cấp dịch vụ nhân bản giọng nói hoặc các công cụ khác có sử dụng AI cần đảm bảo dịch vụ của họ không bị lạm dụng theo cách gây hại cho con người và tiến trình bầu cử.
Rob Weissman, đồng chủ tịch nhóm vận động xã hội Public Citizen, cảnh báo nhiều người vẫn sẽ bị đánh lừa bởi các âm thanh, video sử dụng trí tuệ nhân tạo, kể cả khi chúng được tạo ra với mục đích giễu nhại.
“Tôi chắc chắn hầu hết mọi người khi xem nó (video được Elon Musk chia sẻ) đều không cho rằng đó là một trò đùa. Chất lượng của nó không quá xuất sắc nhưng vẫn đủ tốt. Và điều quan trọng là nó xoáy sâu vào những chủ đề vốn được lan truyền từ trước về bà Kamala Harris, nên hầu hết mọi người sẽ tin rằng chúng có thật”.
“Lỗ hổng” của X
Đoạn video cũng đặt ra nhiều nghi vấn về cách xử lý các nội dung thật và giả trên mạng xã hội X, vốn có tên gọi Twitter nhưng đã được tỷ phú Elon Musk đổi tên sau khi hoàn tất việc mua lại cuối năm 2022.
Người đầu tiên đăng đoạn “video chế” chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Harris là một YouTuber có biệt danh Mr. Reagan. Người này từng thừa nhận trên YouTube và X rằng đây chỉ là video được cắt ghép với mục đích gây cười. Tuy nhiên, bài đăng của ông Musk không ghi rõ như vậy mà chỉ kèm dòng chú thích “Điều này thật tuyệt vời” cùng một biểu tượng mặt cười, cũng như không nhắc tên người đăng video gốc.
Những ai quen dùng X không lạ gì tính năng “ghi chú cộng đồng”, được tạo ra với mục đích thêm ngữ cảnh hoặc nguồn đối chiếu tính xác thực vào các bài đăng có nội dung gây tranh cãi. Nhưng tính đến chiều 28/7, không có ghi chú cộng đồng nào được thêm vào video của Elon Musk.
Một số người dùng trực tuyến đặt câu hỏi liệu bài đăng của ông Musk có vi phạm chính sách của X hay không. Theo đó, người dùng “không được chia sẻ nội dung tổng hợp, bị chỉnh sửa hoặc làm sai ngữ cảnh để đánh lừa hoặc gây nhầm lẫn cho người khác, dẫn đến thiệt hại”.
Tuy nhiên, chính sách này vẫn có ngoại lệ đối các hình chế (meme) và nội dung châm biếm khác miễn là chúng không “gây nhầm lẫn đáng kể về tính xác thực của nội dung được truyền thông".
Dùng AI để cố tình tạo thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến cử tri vốn không phải vấn nạn chỉ có ở riêng Mỹ. Tại Slovakia năm 2023, giới chức từng phát hiện một số đoạn âm thanh giả mạo phát biểu của chủ tịch đảng Tự do về kế hoạch gian lận phiếu bầu và tăng giá bia trước ngày tổng tuyển cử. Hay tại Bangladesh, một nhà lập pháp đảng đối lập từng bị chế video mặc đồ tắm.
Quốc hội Mỹ hiện chưa thông qua đạo luật cụ thể nào về AI, và vẫn giao phần lớn quyền quản lý công nghệ này cho chính quyền các tiểu bang. Một số công ty công nghệ lớn thì ra các chế tài riêng về những hình ảnh, âm thanh bị cắt ghép, chỉnh sửa. Chẳng hạn trên Youtube, người dùng sẽ bắt buộc phải khai có sử dụng AI để tạo video hay không, hoặc tài khoản của họ sẽ bị đình chỉ.