Theo đó, Bộ Nội vụ Pháp cho biết có 65 ứng cử viên đắc cử ngay từ vòng 1 do có số phiếu hơn 50%. Trong đó, 38 ứng cử viên của phe cực hữu, 21 người thuộc liên minh cánh tả và chỉ có 2 người thuộc liên minh đảng cầm quyền của ông Macron.
Trong số số 1.122 ứng cử viên lọt vào vòng 2, có 395 ứng cử viên thuộc phe cánh hữu, 341 ứng cử viên thuộc liên minh cánh tả, 260 ứng cử viên thuộc liên minh cầm quyền và 57 ứng cử viên thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng hòa.
Kết quả tại vòng một của cuộc bầu cử quốc hội cho thấy Đảng Trung dung của ông Macron đang thất thế trước phe cực hữu. Nhiều ứng cử viên thuộc đảng này đã bị loại tại các khu vực bầu cử. Số lượng các thành viên thuộc Đảng Trung dung tại Quốc hội có thể sẽ giảm từ 250 xuống còn dưới 100 người.
Nếu không có gì thay đổi, phe cực hữu, với nòng cốt là Đảng Mặt trận Quốc gia của bà Marine Le Pen, nhiều khả năng sẽ lên nắm quyền tại nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu. Khi đó, phương Tây sẽ cảm thấy lo ngại do các chính trị gia thuộc phe này không có quan điểm tích cực đối với việc ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, cũng như bày tỏ ý định muốn đưa Pháp rời khỏi NATO.
Bruno Cautres, nhà phân tích chính trị của viện Sciences Po, cho biết: “Phe cực hữu đã thắng cuộc bầu cử châu Âu ba lần liên tiếp và bà Marine Le Pen hai lần lọt vào vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống. Lợi thế sẽ được củng cố nếu họ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội lần này” - ông nói thêm.
Một số chuyên gia cho biết chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho bà Marine Le Pen trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2027 tới.
Theo phân tích từ viện thăm dò Ipsos, việc đảng của bà Le đã giành được 33,2% phiếu bầu trong vòng đầu tiên nghĩa là phe cực hữu có thể giành được từ 230-280 ghế trong quốc hội.
Trước những ưu thế vượt trội của bà Le Pen, Tổng thống Macron cùng với các đảng khác tìm cách ngăn chặn sự ra đời của một chính phủ cực hữu ngay bên trong quốc gia thành viên NATO. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu họ có chấp nhận bỏ qua sự khác biệt và cùng nhau đoàn kết để đánh bại phe cực hữu. Sau khi những kết quả ban đầu được đưa ra, hàng nghìn công dân Pháp đã tụ tập tại Place de la République ở Paris để phản đối phe cực hữu.
Cuộc bầu cử quốc hội bao gồm hai vòng, trong đó hai ứng cử viên nhận được nhiều phiếu nhất ở vòng một sẽ đi tiếp vào vòng hai. Trong cuộc bầu cử quan trọng này, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thường rất cao với ước tính có tới 315 khu vực bầu cử.
Vào tối Chủ nhật, các đồng minh của ông Macron đang nỗ lực tìm giải pháp cải thiện tình hình hiện tại.