Chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Obama diễn ra sau thất bại “cay đắng” của đảng Dân chủ trước phe Cộng hòa khi ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton bại trận trước ông Donald Trump và đảng Cộng hòa đồng thời chiếm đa số ở Quốc hội.
Vì vậy, nhiều nhà bình luận dự đoán, chuyến công du cuối cùng qua các nước Hy Lạp, Đức và Peru trong tuần này có ý nghĩa nhằm trấn an các quốc gia đang nghi ngại về việc liệu Mỹ có thay đổi chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống mới.
Đồng thời, đây cũng là nỗ lực ngoại giao cuối cùng của ông Obama khi còn tại vị để hoàn thành các chính sách còn dang dở, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Kurt Volker, cựu đại diện thường trực của Mỹ tại NATO dưới thời chính quyền của ông Bush và ông Obama cho biết, các quốc gia châu Âu đang lo lắng về các hợp tác giữa Mỹ và Lục địa già trong tất cả các lĩnh vực thương mại, chống khủng bố và di cư. “Tôi nghĩ rằng đây sẽ là chủ đề chính trong chuyến đi của Tổng thống Obama”, ông Volker nói.
Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes cho biết, ông Obama sẽ cố gắng trấn an các đồng minh rằng, lợi ích của Mỹ sẽ không thay đổi, ngay cả khi có sự biến chuyển trong bộ máy lãnh đạo.
Tại Athens, Hy Lạp, Tổng thống Obama sẽ bày tỏ sự ủng hộ với các cải cách kinh tế của Hy Lạp khi nước này đang giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipris. Nhưng nổi bật trong chuyến thăm sẽ là bài phát biểu về đẩy mạnh toàn cầu hóa, mặc dù phải thừa nhận rằng, dưới thời ông Trump, Washington có thể chú trọng vấn đề đối nội nhiều hơn.
Tại Berlin, Đức, chuyến đi của ông Obama tới Hannover được cho là chuyến thăm cuối cùng của ông đến Đức. Nền kinh tế số 1 châu Âu là quốc gia mà ông Obama đến thăm nhiều nhất, sau Pháp. Việc này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Thủ tướng Đức Angela Merkel đối với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu. Các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Italia và Tây Ban Nha cũng sẽ đến Berlin dự cuộc họp về chống khủng bố và giải quyết vấn đề di cư cùng các cuộc khủng hoảng tại Syria và Ukraine.
Còn tại Lima, Peru, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), trong đó có các nước đã ký kết TPP, như là một nỗ lực nhằm cứu vãn di sản trong chiến dịch xoay trục sang khu vực châu Á của mình.
Cố vấn của Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ cố gắng trấn an rằng, TPP sẽ vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
"Các chuyến thăm đều mang mục đích rất tốt. Nhưng tôi không chắc liệu ông Obama sẽ làm được gì để cải thiện những mối quan hệ này trước chiến thắng của ông Trump", chuyên gia Heather A. Conley của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết.